Nghiên cứu Thị trường dành cho Chủ Doanh nghiệp

Posted on
Nghiên cứu Thị trường dành cho Chủ Doanh nghiệp

Nghiên cứu thị trường là một phần quan trọng không thể thiếu trong mỗi kế hoạch kinh doanh. Nó sẽ quyết định hướng phát triển của doanh nghiệp bạn

  • Nghiên cứu thị trường rất quan trọng vì nó giúp bạn kiểm tra tính khả thi của các ý tưởng kinh doanh, cũng như quá trình phát triển các sản phẩm, dịch vụ và tính năng mới.
  • Nghiên cứu thị trường đòi hỏi sự kết hợp của nghiên cứu sơ cấp và thứ cấp, cùng với các nghiên cứu định lượng và định tính.
  • Thực hiện theo các bước có trong bài viết này và sử dụng một số công cụ miễn phí hoặc có chi phí thấp đã đề cập, để tiến hành nghiên cứu thị trường cho doanh nghiệp của bạn.
  • Bài viết này dành cho các chủ doanh nghiệp muốn kiểm tra khả năng tồn tại và phát triển của các ý tưởng kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ và tính năng mới bằng cách sử dụng nghiên cứu thị trường.

Nghiên cứu thị trường là điều cần thiết khi muốn thành lập một doanh nghiệp mới hoặc cải tiến các sản phẩm và dịch vụ. Nó cho ta cái nhìn sâu sắc về những gì đối tượng mục tiêu mong đợi từ doanh nghiệp của bạn, bao gồm cả những điều khách hàng thích, không thích, nhu cầu, mong muốn và những điểm khó khăn.

Nếu bạn đang nghĩ đến việc bắt đầu một công việc kinh doanh mới hoặc phát hành các bản cập nhật mới cho các sản phẩm và dịch vụ của mình, bạn cần tiến hành nghiên cứu thị trường để kiểm tra tính khả thi của các ý tưởng. Nếu không, bạn có thể đang lãng phí thời gian và nguồn lực cho một sản phẩm, dịch vụ không ai muốn hoặc không cần.

Nghiên cứu thị trường là gì?

Nghiên cứu thị trường là yếu tố quan trọng của một kế hoạch kinh doanh. Đây là quá trình thu hút khách hàng đến với các sản phẩm, tính năng và dịch vụ mà họ muốn thông qua việc tổ chức các cuộc thăm dò, khảo sát, nhóm tập trung, theo dõi truyền thông xã hội và các phương pháp khác. Nghiên cứu thị trường đóng vai trò là một hướng dẫn quan trọng để phát triển mô hình kinh doanh của bạn và phát triển doanh nghiệp theo cách đáp ứng nhu cầu của đối tượng mục tiêu.

John Cho, người sáng lập của trang My Pet Child cho biết: “Nghiên cứu thị trường không chỉ đơn giản là một quá trình để tìm ra đối tượng mục tiêu của bạn cần gì và muốn gì mà nó còn giúp cho một công ty hiểu được tâm lý khách hàng từ đó tạo ra ưu thế trước các đối thủ cạnh tranh

Sau khi thực hiện nghiên cứu thị trường, những người đứng đầu trong tổ chức của bạn có thể sử dụng kết quả đó để áp dụng cho các chiến lược marketing và phát triển sản phẩm hay đưa ra quyết định xem liệu có nên cho ra mắt các sản phẩm và dịch vụ mới hay không, v.v. Nghiên cứu thị trường là điều cần thiết để nắm bắt và hiểu được những gì khách hàng mong đợi từ doanh nghiệp của bạn, lặp lại những gì đã hoạt động tốt và cải thiện những gì không.

Tại sao nghiên cứu thị trường lại quan trọng?

Việc tiến hành nghiên cứu thị trường trước khi tung ra một sản phẩm hoặc dịch vụ mới là vô cùng cần thiết. Khi bạn đang phát triển một cái gì đó mới, nó có thể không phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Vì thế việc thử nghiệm các sản phẩm đó thông qua nghiên cứu thị trường có thể là một cách tốt để đảm bảo rằng sản phẩm hoặc dịch vụ mới mà bạn đang phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường mục tiêu.

Bruce Harpham , người sáng lập Steam Press Media cho biết: “Nghiên cứu thị trường là một cách để tăng khả năng thành công của bạn trong việc tung ra một sản phẩm mới. “Ví dụ, gần đây Harpham đã sử dụng PickFu để thử nghiệm năm ý tưởng tiêu đề sách kinh doanh với 200 người. Kết quả là có hơn 40% trong tổng số 200 người bình chọn cho một tiêu đề.”

Nghiên cứu thị trường cũng có thể giúp bạn hiểu những gì khách hàng thích và không thích ở các sản phẩm và dịch vụ hiện tại của bạn. Bạn có thể tận dụng những thông tin chi tiết này để cải thiện các sản phẩm dựa trên điểm mạnh và điểm yếu của chúng.

Helen White, đồng sáng lập Houseof, cho biết: “Người ta thường nói rằng hơn 60% doanh nghiệp mới thất bại trong năm đầu tiên kinh doanh . “Phần lớn những thất bại này xuất phát từ thực tế đề xuất giá trị của họ không tốt bằng so với các công ty hiện có trên thị trường. Do đó, họ không thể giành được thị phần cũng như thu hút khách hàng đến với doanh nghiệp.

“Việc thực hiện nghiên cứu thị trường không chỉ đặt các doanh nghiệp mới vào tình thế phải phân tích thị trường để tìm cơ hội cho bản thân, mà còn giảm đáng kể rủi ro khi tung ra một sản phẩm hoặc dịch vụ mới,” White nói thêm. “Nghiên cứu thị trường không chỉ phù hợp với các công ty mới thành lập và các chủ doanh nghiệp đầy tham vọng mà còn là một hoạt động chiến lược cơ bản của các công ty đang tìm cách tung ra các sản phẩm hoặc dịch vụ mới.”

Tóm lại: Nghiên cứu thị trường giúp bạn hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của đối tượng mục tiêu khi bạn thành lập một doanh nghiệp mới hay phát triển một sản phẩm, dịch vụ hoặc tính năng mới.

Các loại hình nghiên cứu thị trường khác nhau là gì?

Hầu hết các loại hình nghiên cứu thị trường hiện nay đều có thể giúp bạn xem xét và phân tích phản hồi từ các đối tượng mục tiêu dưới nhiều góc độ khác nhau. Các yếu tố quan trọng của nghiên cứu thị trường bao gồm nghiên cứu sơ cấp và thứ cấp, phân tích thông tin định lượng và định tính.

Nghiên cứu sơ cấp và nghiên cứu thứ cấp

Sự khác biệt giữa nghiên cứu sơ cấp và nghiên cứu thứ cấp nằm ở cách thực hiện nghiên cứu thị trường và ai là người sở hữu dữ liệu. Theo Cho, nghiên cứu sơ cấp thường do doanh nghiệp của bạn trực tiếp tiến hành, trong khi nghiên cứu thứ cấp là do thuê ngoài hoặc tìm thấy trong các cơ sở dữ liệu trực tuyến hiện có.

“Vì nghiên cứu sơ cấp do chính công ty của bạn thực hiện nên bạn có quyền sở hữu dữ liệu.

Ngược lại, nghiên cứu thứ cấp được thực hiện bởi người khác để hỗ trợ cho nghiên cứu sơ cấp của bạn, nên bạn sẽ không được sở hữu dữ liệu” – Cho nói thêm.

Điều quan trọng là bạn phải thực hiện cả hai loại nghiên cứu thị trường này. Đơn giản vì mỗi một loại nghiên cứu thị trường đều phục vụ cho các mục đích khác nhau: Nghiên cứu sơ cấp mang lại kết quả trực tiếp về đối tượng mục tiêu của bạn, trong khi nghiên cứu thứ cấp phục vụ cho việc sao lưu những thông tin chi tiết thu thập được từ nghiên cứu sơ cấp.

Một ví dụ điển hình về nghiên cứu sơ cấp là khi doanh nghiệp của bạn muốn thực hiện khảo sát cho 1.000 khách hàng hiện tại để hiểu trải nghiệm của họ với các sản phẩm và dịch vụ của bạn. Cuộc khảo sát có thể bao gồm các câu hỏi về tính năng nào khách hàng thích, tính năng nào họ không thích, tính năng nào khiến khách hàng cảm thấy khó hiểu và liệu họ có sử dụng lại sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn hay không.

Một ví dụ về nghiên cứu thứ cấp đó là doanh nghiệp sử dụng kết quả có được từ một nhóm tập trung (focus group) nhằm khám phá những gì khách hàng đang tìm kiếm ở các sản phẩm hoặc dịch vụ trong ngành của bạn. Mặc dù bạn có thể không ủy quyền trực tiếp cho nhóm tập trung này, nhưng kết quả có được từ việc nghiên cứu có thể cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc về bối cảnh cạnh tranh trong ngành cũng như hỗ trợ cho nghiên cứu sơ cấp của bạn.

Nghiên cứu định lượng vs nghiên cứu định tính

Nghiên cứu thị trường có thể là định lượng hoặc định tính. Nghiên cứu định lượng dựa trên những con số và sự kiện khách quan, trong khi nghiên cứu định tính là “chủ quan, dựa trên cảm tính và những đặc trưng không thể đo lường được”,

Cho nói: “Cả hai đều quan trọng khi nghiên cứu về sự tiếp nhận của khách hàng đối với thương hiệu hoặc sản phẩm của bạn. Nó giúp bạn hiểu được khách hàng cảm thấy như thế nào (định tính) và liệu có bao nhiêu người sẽ giới thiệu sản phẩm của bạn so với đối thủ cạnh tranh (định lượng)?”

Ví dụ khi thực hiện khảo sát 1.000 khách hàng sẽ mang lại một số kết quả định lượng, được biểu thị bằng phần trăm số người được hỏi. Nó cũng sẽ bao gồm một số hiểu biết định tính về cách khách hàng cảm thấy như thế nào đối với sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp bạn.

Ví dụ đối với nhóm tập trung, chủ yếu sẽ chứa các tuyên bố định tính của khách hàng; tuy nhiên, chúng có thể được nhóm lại thành các nhóm nhỏ để phát triển một số dữ liệu mang tính định lượng.

Hiểu được quan điểm định tính của đối tượng mục tiêu là điều cần thiết để biết được những gì khách hàng của bạn muốn và cần. Đưa những hiểu biết định tính đó vào dữ liệu định lượng để giúp bạn hiểu được cơ hội lớn nhất nằm ở đâu.

Bài học kinh nghiệm chính: Nên kết hợp cả nghiên cứu sơ cấp, thứ cấp, định lượng và định tính lại với nhau để mang lại hiệu quả tối đa khi nghiên cứu thị trường.

Các bước về cách thực hiện nghiên cứu thị trường

Để tiến hành nghiên cứu thị trường cho doanh nghiệp của bạn, thực hiện theo bốn bước đơn giản sau

1. Xác định chân dung khách hàng lý tưởng

Tạo chân dung khách hàng lý tưởng (Buyer personas) hư cấu để đại diện cho các đối tượng mục tiêu của bạn. Những nhân vật này phải có đầy đủ những thông tin như sau:

  • Tuổi tác
  • Giới tính
  • Vị trí địa lý
  • Mức thu nhập
  • Tình trạng việc làm
  • Tình trạng hôn nhân
  • Số lượng thành viên gia đình (nếu có)
  • Thói quen hành vi

Chân dung khách hàng lý tưởng phải trông giống như một người hoàn chỉnh với những mong muốn và nhu cầu phức tạp. Và mặc dù những nhân vật này không nhất thiết phải đại diện cho mọi thành viên trong đối tượng mục tiêu của bạn, nhưng chúng phải phản ánh được những điểm chung của đối tượng mục tiêu mà bạn nhắm đến.

2. Thiết kế câu hỏi nghiên cứu

Thiết kế các câu hỏi nghiên cứu cụ thể với chân dung khách hàng lý tưởng của bạn. Bạn có thể đưa ra các câu hỏi cụ thể cho từng nhân vật hoặc bạn có thể tìm kiếm những câu hỏi chung có liên quan đến tất cả các khách hàng mục tiêu của bạn.

White nói: “Một khi bạn đã xác định rõ chân dung khách hàng lý tưởng của mình, điều quan trọng là phải vạch ra các đặc điểm cá nhân, công việc cần làm, những khó khăn, lợi ích và thói quen mua hàng của họ”. “Sở thích của từng khách hàng khác nhau; tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải hiểu rõ khách hàng tiềm năng của họ.”

Hãy ghi nhớ tất cả những điều này trong khi soạn thảo các câu hỏi nghiên cứu. Đảm bảo không thiên vị và các câu hỏi phải dựa trên giả định của riêng bạn về đối tượng mục tiêu.

3. Thu hút mọi người tham gia nghiên cứu thị trường

Khi bạn đã chuẩn bị sẵn sàng các câu hỏi nghiên cứu, đã đến lúc đưa nó cho những người tham gia nghiên cứu thị trường. Thông qua các cuộc thăm dò, khảo sát, các nhóm tập trung và các bài đăng trên mạng xã hội, hãy thu hút những người tham gia nghiên cứu để thu thập càng nhiều phản hồi càng tốt. Điều này sẽ rất cần thiết trong việc đưa ra quyết định của bạn.

“Một khi bạn đã có các ý tưởng giả định trong đầu thì điều quan trọng là bạn phải xác thực chúng”, White nói. “Ví dụ: hãy cân nhắc tạo ra các nhóm tập trung mà bạn có thể phỏng vấn để kiểm tra các giả định của mình và thu thập phản hồi thực tế về đặc điểm của họ, các công việc phải hoàn thành, những khó khăn và thành quả.”

4. Tóm tắt kết quả nghiên cứu của bạn

Theo White, một bản tóm tắt hiệu quả của nghiên cứu thị trường sẽ bao gồm các thông tin sau:

  • Mục tiêu và giả thuyết: Nêu những gì bạn hy vọng đạt được và những gì bạn mong đợi có thể tìm thấy từ nghiên cứu thị trường.
  • Người tham gia: Mô tả nhóm bạn đang nghiên cứu.
  • Tóm tắt: Giải thích những phát hiện chính mà bạn tìm thấy từ kết quả của cuộc nghiên cứu.
  • Thông tin chi tiết chính: Phác thảo mọi điểm chung có được từ những người tham gia nghiên cứu.
  • Cân nhắc: Lưu ý các chủ đề chính xuất hiện từ nghiên cứu.
  • Kế hoạch hành động: Hãy nghĩ về cách những thông tin chi tiết này có thể được sử dụng để tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại giá trị hữu hình cho khách hàng tiềm năng của bạn.

Bài học kinh nghiệm chính: Xác định chân dung khách hàng lý tưởng và hiểu đối tượng khách hàng của bạn là ai. Sau đó, thu hút những khách hàng đó tham gia nghiên cứu thị trường. Ghi lại kết quả và những phát hiện mà bạn có thể sử dụng để đưa ra quyết định về ý tưởng kinh doanh hoặc phát triển sản phẩm của mình.

Cách tiến hành nghiên cứu thị trường

Theo Alexa Blog của Amazon, có một số cách để thực hiện nghiên cứu thị trường, mỗi cách được xác định là một phương pháp nghiên cứu chính hoặc phụ.

Phương pháp nghiên cứu sơ cấp liên quan đến việc thu thập dữ liệu của bên thứ nhất. Ví dụ như doanh nghiệp đang thu thập dữ liệu trực tiếp để phân tích nội bộ. Trong khi đó, nghiên cứu thứ cấp liên quan đến việc sử dụng các bộ dữ liệu đã được thiết lập trước đó để đưa ra các quyết định kinh doanh.

Nghiên cứu sơ cấp thường được ưu tiên hơn, vì bạn sẽ nhận được thông tin trực tiếp từ khách hàng của mình.

Dưới đây là một số cách để tiến hành nghiên cứu thị trường mà không cần dựa vào dữ liệu thứ cấp:

Phỏng vấn

Phỏng vấn là cách thức tương tác trực tiếp giữa khách hàng và công ty (chủ doanh nghiệp hoặc một nhân viên được chỉ định). Bạn có thể thực hiện các cuộc phỏng vấn trực tiếp hoặc qua hội nghị truyền hình (video conferencing). Điều tuyệt vời khi sử dụng phương thức phỏng vấn cá nhân là bạn sẽ có thể nhận được những phản hồi sâu sắc hơn và người phỏng vấn cũng có thể dễ dàng đặt những câu hỏi tiếp theo nhằm thăm dò thông tin bổ sung. Một ưu điểm khác của phỏng vấn là bạn có thể người phỏng vấn có thể quan sát những thay đổi trong giọng điệu hoặc thái độ của người tham gia phỏng vấn.

Khảo sát

Đây là phương pháp nghiên cứu sơ cấp phổ biến nhất. Để áp dụng phương pháp vào trong nghiên cứu thị trường, yêu cầu bạn phải gửi cho khách hàng mục tiêu hoặc những người tiêu dùng một loạt các câu hỏi mở hoặc có nhiều lựa chọn thông qua email hoặc thư trực tiếp. Phương pháp này thường có chi phí khá thấp và bạn có thể yêu cầu người được phỏng vấn giải thích câu trả lời của họ nếu bạn muốn biết thêm về ngữ cảnh.

Các nhóm tập trung

Bạn có thể tập hợp một nhóm người tiêu dùng từ thị trường mục tiêu và để họ đưa ra phản hồi trực tiếp về công ty của bạn. Lợi thế của nhóm tập trung là bạn sẽ có được nhiều ý kiến ​​về sản phẩm và dịch vụ của mình cùng một lúc. Mặt khác bạn cũng có thể dễ dàng quan sát lại các cuộc thảo luận giữa họ về công ty của bạn do phương thức này thường được thu âm hoặc ghi hình.

Quan sát khách hàng

Đối với phương pháp này, nhà nghiên cứu thị trường thực hiện quan sát khách hàng mục tiêu tương tác với các sản phẩm và dịch vụ của mình. Sau đó họ sẽ ghi chép về phản ứng tích cực và tiêu cực của người đó. Lợi ích của việc quan sát khách hàng là dữ liệu được thu thập trong môi trường tự nhiên mà không bị ảnh hưởng từ bên ngoài.

Chân dung khách hàng lý tưởng

Để tìm ra chân dung khách hàng lý tưởng, bạn phải thu thập dữ liệu từ khách hàng thông qua các cuộc khảo sát để tạo ra một chân dung khách hàng hư cấu. Việc nghiên cứu chân dung khách hàng lý tưởng giúp bạn tìm hiểu xem khách hàng lý tưởng của mình trông như thế nào về nhân khẩu học và nhu cầu. Họ đang cảm thấy gì? Điều gì thúc đẩy việc mua hàng của họ? Sau đó, bạn sử dụng dữ liệu “khách hàng lý tưởng” này để thiết kế các chiến dịch quảng cáo của mình.

Thử nghiệm thực địa

Công ty của bạn có thể thực hiện thử nghiệm một sản phẩm hoặc dịch vụ mới tại một số địa điểm được chọn hoặc với một nhóm nhỏ người mua. Dựa trên doanh số bán hàng và phản hồi từ khách hàng, bạn có thể điều chỉnh sản phẩm hoặc dịch vụ trước khi ra mắt rộng rãi hơn. Để chọn địa điểm cho phép dùng thử sản phẩm hoặc dịch vụ mới, bạn có thể xem xét các phân khúc khác nhau của thị trường.

Phân khúc thị trường tức là bạn sẽ chia nhỏ các đặc điểm chính của khách hàng như địa lý, nhu cầu, sở thích và nhân khẩu học nhằm tập trung tốt hơn vào việc nghiên cứu khách hàng và truyền thông của bạn.

10 công cụ giúp thực hiện nghiên cứu thị trường

Có rất nhiều công cụ có thể giúp bạn thực hiện nghiên cứu thị trường một cách hiệu quả và dễ dàng. Một vài trong số đó cũng bao gồm các công cụ báo cáo giúp bạn dễ dàng xem lại dữ liệu sau khi đã thu thập.

Dưới đây là một số công cụ nghiên cứu thị trường miễn phí hoặc có mức phí thấp mà những doanh nghiệp nhỏ có thể sử dụng để thu thập thông tin chi tiết về đối tượng mục tiêu của bạn:

  • Facebook Audience Insights: Công cụ này cho phép bạn khai thác thông tin đối với những người dùng đã tương tác với các quảng cáo của bạn trên Facebook. Sử dụng Facebook Audience Insights để thu thập dữ liệu nhân khẩu học và về cách khách hàng tương tác với thương hiệu của bạn trên Facebook. Bạn cũng có thể sử dụng nó để so sánh hiệu suất trang của mình với các đối thủ cạnh tranh.
  • Google Trends: Google Trends cung cấp thông tin chi tiết theo thời gian thực về những gì người dùng đang tìm kiếm trực tuyến. Bằng cách nhập các từ và cụm từ chính có liên quan đến doanh nghiệp của mình, bạn có thể biết liệu người dùng có đang tìm kiếm doanh nghiệp của bạn hay không, thông qua các tính năng cụ thể và sử dụng một số thuật ngữ nhất định. Google Trends chia nhỏ thông tin này theo vị trí địa lý và tần suất tìm kiếm theo thời gian.
  • GutCheck: GutCheck là một công ty hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường chuyên cung cấp các dịch vụ nghiên cứu thứ cấp cho các công ty khác nhằm giúp họ hiểu hơn về đối tượng mục tiêu của mình. GutCheck sẽ tiến hành nghiên cứu cả về định lượng và định tính sau đó giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định phù hợp dựa trên kết quả nghiên cứu thị trường mà họ có được.
  • Hootsuite: Hootsuite là một công cụ quản lý mạng xã hội phổ biến, nhưng nó cũng bao gồm thông tin về cách người dùng tương tác với thương hiệu của bạn trên tất cả các kênh truyền thông xã hội. Dữ liệu này có thể giúp bạn hiểu loại nội dung nào đang thu hút người xem cũng như những gì mọi người đang nghĩ và nói về doanh nghiệp của bạn
  • Website đánh giá trực tuyến: Các website đánh giá trực tuyến như Yelp cung cấp thông tin chi tiết về những gì khán giả đang nói về doanh nghiệp và đối thủ cạnh tranh của bạn. Kiểm tra những đánh giá này để xác định các chủ đề phổ biến mà khách hàng của bạn ưa thích, không thích và mong muốn được nhìn thấy. Mặc dù những công cụ này thường không thể hoạt động độc lập nhưng bù lại chúng hoàn toàn miễn phí và là cách tốt nhất để bạn hiểu được khách hàng của mình đang nghĩ gì.
  • PickFu: PickFu cho phép các doanh nghiệp thu thập phản hồi khách hàng về chiến lược marketing và diễn giải những vấn đề xoay quanh các sản phẩm và dịch vụ. Về cơ bản PickFu là một công cụ thăm dò ý kiến có thể giúp bạn tinh chỉnh cách tiếp cận khách hàng mục tiêu theo hướng phù hợp và hiệu quả nhất để thúc đẩy chuyển đổi. Nó cũng cho phép bạn theo dõi phản hồi của khách hàng theo từng phân đoạn nhân khẩu học.
  • SurveyGizmo: SurveyGizmo cung cấp các công cụ tạo khảo sát miễn phí và có trả phí nhằm giúp cho các doanh nghiệp nhỏ có thể lập bảng câu hỏi khảo sát đồng thời thu thập phản hồi chi tiết về những gì mà khách hàng mục tiêu muốn và cần từ họ. SurveyGizmo sở hữu một dashboard rất dễ sử dụng dùng để hiển thị tổng quan về kết quả khảo sát chỉ trong nháy mắt.
  • SurveyMonkey: SurveyMonkey là một công cụ nghiên cứu thị trường phổ biến cho phép người dùng tạo ra bảng khảo sát và triển khai nó cho đối tượng mục tiêu của mình. Đây có thể là một công cụ lý tưởng cho các doanh nghiệp đang tìm kiếm thông tin chi tiết về cả định tính và định lượng từ khách hàng của họ.
  • Think with Google – Marketer’s Almanac: Công cụ này về cơ bản tương tự như Google Trends nhưng nhắm mục tiêu đến nghiên cứu thị trường kinh doanh. Think with Google – Marketer’s Almanac theo dõi xu hướng của người tiêu dùng trong một ngành cụ thể, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những gì đối tượng mục tiêu của họ đang tìm kiếm và điều chỉnh ý tưởng sao cho phù hợp.
  • Zoho Survey: Zoho Survey cung cấp phiên bản miễn phí cho phép các doanh nghiệp tạo ra một bản khảo sát với tối đa 10 câu hỏi và triển khai chúng cho đối tượng mục tiêu của mình. Các gói có trả phí của Zoho Survey cung cấp các tùy chọn tạo khảo sát nâng cao hơn cho các doanh nghiệp thực sự muốn tìm hiểu sâu hơn về mong muốn và nhu cầu của khách hàng.

Mặc dù những công cụ đều vô cùng hữu ích nhưng điều quan trọng là bạn phải sử dụng chúng với quy trình nghiên cứu thị trường thích hợp để mang lại kết quả tối ưu nhất.

Tuy nhiên, các công cụ này chỉ mới là bước khởi đầu. Để tạo ra một nghiên cứu thị trường hoàn chỉnh và cho ra kết quả tốt nhất, chúng ta không thể bỏ qua các bước Thiết kế khảo sát nâng cao, phân tích kết quả đầu vào để tìm ra giá trị nằm ở đâu.. Việc này, các tool vẫn chưa làm được.

Scarlet nói: “Ngoài ra, khi nói đến nghiên cứu định tính, các doanh nghiệp cần phải có một người kiểm duyệt dày dạn kinh nghiệm để đánh giá mức độ thăm dò phù hợp và đảm bảo không thiên vị. “Các công cụ nghiên cứu thị trường nên được sử dụng và phân tích từ những người có chuyên môn cao”.

Ta có thể thấy, có rất nhiều công cụ nghiên cứu thị trường miễn phí hoặc có mức phí thấp dành cho các doanh nghiệp nhỏ, nhưng chúng đòi hỏi người dùng phải có chuyên môn cao để có thể tận dụng tối đa các tính năng của những công cụ này.