Hướng dẫn thiết kế giao diện React Native UI cho Android và iOS chi tiết nhất

08/10/2024 - Thien Le

Trong phát triển ứng dụng di động, React Native UI nổi bật như một công cụ mạnh mẽ, cho phép tạo ra các ứng dụng đa nền tảng từ cùng một mã nguồn. Nó giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, mang lại sự linh hoạt cho các nhà phát triển trong việc triển khai giao diện người dùng (UI) trên cả Android và iOS. Bài viết dưới đây, MangoAds sẽ làm rõ cách thiết kế giao diện người dùng trong React Native, tập trung vào các nguyên tắc thiết kế của từng nền tảng và cách áp dụng chúng một cách hiệu quả.

1. Giới thiệu về React Native UI 

React Native UI là một framework phát triển ứng dụng di động do Facebook giới thiệu vào năm 2015, nhanh chóng trở thành một trong những công cụ phổ biến nhất để xây dựng ứng dụng đa nền tảng. Với khả năng sử dụng JavaScript và React, lập trình viên có thể phát triển ứng dụng cho cả iOS và Android mà chỉ cần viết một lần.

React Native UI có một cộng đồng lớn mạnh và ngày càng phát triển, cung cấp nhiều thư viện, công cụ hỗ trợ giúp lập trình viên dễ dàng tùy chỉnh và tối ưu hóa giao diện người dùng. Các công cụ này bao gồm cả những thành phần UI tích hợp sẵn cho phép dễ dàng tạo ra các giao diện người dùng thân thiện với người sử dụng, từ đó nâng cao trải nghiệm người dùng.

Một trong những ưu điểm nổi bật của React Native UI là khả năng chia sẻ mã nguồn giữa các nền tảng, nghĩ là phần lớn mã nguồn của một ứng dụng có thể được sử dụng lại cho cả iOS và Android. Bên cạnh đó, React Native cũng cho phép tích hợp dễ dàng với các API gốc, giúp ứng dụng hoạt động mượt mà và tối ưu trên từng thiết bị cụ thể.

2. Thiết kế UI cho Android: Nguyên tắc Material Design

Trước khi đi sâu vào từng nguyên tắc thiết kế, điều quan trọng là chúng ta cần hiểu rõ về vai trò của Material Design trong việc xây dựng giao diện người dùng cho các ứng dụng Android. Khi nắm vững các nguyên tắc này, lập trình viên sẽ có khả năng tạo ra những giao diện không chỉ đẹp mắt mà còn trực quan và dễ sử dụng, góp phần nâng cao trải nghiệm người dùng.

2.1. Đặc điểm nổi bật của Material Design

Material Design là một hệ thống thiết kế được Google giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2014. Material Design có thể xem là một ngôn ngữ thiết kế nhằm tạo ra sự nhất quán trong giao diện người dùng trên các thiết bị Android.

Đặc điểm chính của Material Design là sử dụng các hiệu ứng hoạt ảnh và chuyển động để giúp người dùng nhận thức rõ ràng hơn về mối quan hệ giữa các thành phần UI. Material Design khuyến khích sử dụng các yếu tố thị giác mạnh mẽ như bóng đổ, màu sắc tươi sáng và khoảng trắng rộng rãi để tạo sự rõ ràng và dễ dàng tiếp cận. Các thành phần như thẻ (cards), nút (buttons), và thanh điều hướng (navigation bars) được tổ chức theo dạng lưới, tạo nên sự cân đối và dễ dàng sử dụng.

2.2. Ứng dụng Material Design trong React Native

Trong React Native UI, lập trình viên có thể dễ dàng áp dụng Material Design thông qua các thư viện như React Native Paper hoặc Material-UI.

Khi thiết kế giao diện cho Android, lập trình viên cần chú ý sử dụng các yếu tố như bóng đổ, kích thước nút, và vị trí của các thành phần. Vì material Design yêu cầu các nút và thẻ phải có bóng đổ rõ ràng để tạo chiều sâu và phân tách các lớp thông tin. Các nút trong Material Design thường có hiệu ứng "mực" (ripple effect) khi người dùng tương tác, giúp cung cấp phản hồi trực quan ngay lập tức.

Một ưu điểm lớn của Material Design là khả năng tùy chỉnh giao diện mà không làm mất đi sự nhất quán với toàn bộ hệ thống. Ví dụ, lập trình viên có thể thay đổi màu sắc chính của ứng dụng để phù hợp với thương hiệu của mình, nhưng vẫn giữ được cấu trúc và nguyên tắc thiết kế tổng thể của Material Design.

3. Thiết kế UI cho iOS: Nguyên tắc của Apple

Apple luôn đặt sự tinh tế và trải nghiệm người dùng lên hàng đầu, do đó, các nguyên tắc thiết kế của họ nhấn mạnh sự đơn giản, rõ ràng và trực quan. Hiểu và áp dụng đúng các nguyên tắc này sẽ giúp lập trình viên tạo ra những ứng dụng có chất lượng cao và mang lại trải nghiệm tối ưu cho người dùng.

3.1. Ba chủ đề chính của thiết kế iOS

Apple có những nguyên tắc thiết kế riêng, tập trung vào ba chủ đề chính: sự rõ ràng, sự tôn trọng và chiều sâu. 

  • Sự rõ ràng: Yếu tố giao diện được thiết kế để hiển thị nội dung một cách rõ ràng và dễ hiểu, giúp người dùng tập trung vào nội dung chính mà không bị phân tâm bởi các yếu tố trang trí không cần thiết. 
  • Sự tôn trọng: Thiết kế giao diện iOS tôn trọng không gian và sự chú ý của người dùng bằng cách tối giản các yếu tố trang trí và chỉ sử dụng những yếu tố thực sự cần thiết. 
  • Chiều sâu: Apple khuyến khích việc sử dụng các hiệu ứng thị giác để tạo ra sự phân lớp và chiều sâu trong giao diện người dùng. Các hiệu ứng chuyển động và hoạt ảnh được sử dụng một cách chu đáo để truyền tải thông tin về thứ bậc và trạng thái của các thành phần giao diện. 

3.2. Cách áp dụng thiết kế iOS trong React Native

Để áp dụng các nguyên tắc thiết kế của Apple trong React Native, lập trình viên có thể sử dụng các thành phần giao diện tuân theo tiêu chuẩn của iOS. Ví dụ, React Native cung cấp các thư viện và công cụ hỗ trợ việc tạo giao diện cho iOS như React Native Elements hoặc React Native iOS Kit. 

Ngoài ra, lập trình viên cũng cần chú ý đến cách bố trí các thành phần giao diện trên iOS. Ví dụ, nút quay lại thường được đặt ở góc trên bên trái của màn hình và sử dụng biểu tượng hình chữ V ngược. Thanh điều hướng trên iOS thường mỏng hơn và được đặt ở đầu màn hình, với các nút điều khiển rõ ràng và dễ tiếp cận.

>>> Xem thêm: Đánh giá thiết kế giao diện web với  5+ công cụ UI design tốt nhất

4. So sánh các thành phần UI giữa Android và iOS

Mặc dù cả Android và iOS đều hướng tới việc cung cấp trải nghiệm người dùng tốt nhất, nhưng cách tiếp cận thiết kế giao diện người dùng (UI) của hai nền tảng này có nhiều điểm khác biệt đáng kể. Hiểu rõ sự khác biệt giữa UI của Android và iOS là điều cần thiết để lập trình viên có thể tối ưu hóa giao diện cho từng nền tảng, đảm bảo rằng ứng dụng của họ không chỉ thân thiện với người dùng mà còn tuân thủ các quy tắc thiết kế của mỗi hệ điều hành.

Hình 1: Android và iOS (Nguồn: MangoAds)

Hình 1: Android và iOS (Nguồn: MangoAds)

4.1. Navigation

Điều hướng là một trong những thành phần quan trọng nhất của giao diện người dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến cách người dùng trải nghiệm và tương tác với ứng dụng. Trên Android, điều hướng thường được thực hiện qua menu ngăn kéo hoặc thanh tab ở đầu màn hình, trong khi trên iOS, thanh tab thường nằm ở cuối màn hình.

Trên Android, các ứng dụng thường sử dụng menu ngăn kéo (navigation drawer) để chứa các tùy chọn điều hướng chính. Menu này thường được truy cập bằng cách vuốt từ mép trái màn hình hoặc nhấn vào biểu tượng hamburger ở góc trên bên trái. 

Hình 2: Menu Ngăn kéo Android (Nguồn: topflightapps.com)

Hình 2: Menu Ngăn kéo Android (Nguồn: topflightapps.com)

Trong khi đó, trên iOS, điều hướng thường được thực hiện thông qua các tab nằm ở phía dưới màn hình. Các tab này giúp người dùng dễ dàng di chuyển giữa các phần chính của ứng dụng mà không cần phải quay lại màn hình chính. 

Hình 3: Thanh Tab IOS (Nguồn: topflightapps.com)

Hình 3: Thanh Tab IOS (Nguồn: topflightapps.com)

React Native cung cấp các module như React Navigation để hỗ trợ điều hướng trên cả hai nền tảng, giúp lập trình viên dễ dàng triển khai các kiểu điều hướng phù hợp. React Navigation cho phép lập trình viên tạo ra các thành phần điều hướng tùy chỉnh và tích hợp chúng vào giao diện người dùng, từ đó tạo ra các trải nghiệm điều hướng mượt mà và nhất quán trên cả Android và iOS.

>>> Xem thêm: Thiết kế thanh điều hướng website phù hợp với bạn - 15+ ví dụ cụ thể

4.2. Buttons

Nút (Buttons) là một trong những thành phần giao diện quan trọng nhất trong bất kỳ ứng dụng nào, cho phép người dùng thực hiện các tác vụ cụ thể. Trên Android, các nút thường có nhiều dạng khác nhau như nút nổi (Floating Action Button), nút nâng (Raised Button) và nút phẳng (Flat Button), và mỗi loại đều có phản ứng riêng khi được nhấn.

Hình 4: Nút nổi Android (Nguồn: topflightapps.com)

Hình 4: Nút nổi Android (Nguồn: topflightapps.com)

Hình 5: Nút nâng lên của Android (Nguồn: topflightapps.com)

Hình 5: Nút nâng lên của Android (Nguồn: topflightapps.com)

Hình 6: Nút phẳng Android (Nguồn: topflightapps.com)

Hình 6: Nút phẳng Android (Nguồn: topflightapps.com)

Trong khi đó, các nút trên iOS thường phẳng và trung tính hơn, không có hiệu ứng nổi bật như trên Android. Nút trên iOS thường được thiết kế đơn giản với đường viền mỏng hoặc không có viền, tạo cảm giác nhẹ nhàng và tinh tế. 

Hình 7: Nút iOS phẳng (Nguồn: topflightapps.com)

Hình 7: Nút iOS phẳng (Nguồn: topflightapps.com)

>>> Xem thêm: 10 nguyên tắc vàng khi thiết kế Button tăng trải nghiệm người dùng

4.3. Cards

Trên Android, thẻ thường có bóng đổ rõ nét hơn để tạo cảm giác nổi và phân tách rõ ràng các lớp thông tin. Bóng đổ này giúp người dùng dễ dàng nhận biết rằng thẻ là một phần riêng biệt của giao diện và có thể tương tác với nó.

Hình 8: Thẻ Android (Nguồn: topflightapps.com)

Hình 8: Thẻ Android (Nguồn: topflightapps.com)

Trong khi đó, trên iOS, bóng đổ của thẻ thường nhẹ và ít rõ ràng hơn, tạo cảm giác mềm mại và tinh tế hơn. Thẻ trên iOS thường có các góc bo tròn nhẹ và sử dụng khoảng trắng một cách hợp lý để tạo sự thoải mái cho người dùng khi xem nội dung. Việc sử dụng bóng đổ nhẹ và khoảng trắng cũng giúp nội dung trở nên nổi bật hơn mà không cần sử dụng quá nhiều yếu tố trang trí.

Hình 9:  The iOS (Nguồn: topflightapps.com)

Hình 9:  The iOS (Nguồn: topflightapps.com)

4.4. Icons

Android, biểu tượng thường có các đường viền dày hơn và thường là đặc, tạo cảm giác chắc chắn và mạnh mẽ. Điều này phù hợp với phong cách thiết kế Material Design của Android, nơi các yếu tố thị giác được sử dụng để truyền tải thông tin một cách rõ ràng và trực quan.

Trong khi đó, trên iOS, biểu tượng thường có đường mảnh và tinh tế hơn, phù hợp với triết lý thiết kế tối giản và tinh tế của Apple. Biểu tượng trên iOS thường có màu sắc nhạt và được thiết kế để hòa hợp với nền, tạo cảm giác liền mạch và đồng nhất trong giao diện người dùng.

Hình 10: Icons iOS và Android (Nguồn: topflightapps.com)

Hình 10: Icons iOS và Android (Nguồn: topflightapps.com)

Việc lựa chọn biểu tượng phù hợp cho từng nền tảng là rất quan trọng, bởi nó không chỉ giúp nâng cao tính thẩm mỹ của ứng dụng mà còn ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng. Trong React Native UI, lập trình viên có thể sử dụng các thư viện biểu tượng như Expo Vector Icons để dễ dàng tìm kiếm và tích hợp các biểu tượng phù hợp với từng nền tảng.

>>> Xem thêmỨng dụng UI Animation trong cải thiện trải nghiệm người dùng

4.5. Typography

Đối với Android, kiểu chữ thường có khoảng cách dòng lớn hơn và sử dụng nhiều kích thước chữ khác nhau để tạo sự tương phản giữa các thành phần văn bản. Điều này giúp người dùng dễ dàng phân biệt giữa các tiêu đề, nội dung chính và các chi tiết nhỏ.

Trong khi đó, trên iOS, kiểu chữ thường đồng đều hơn và sử dụng độ đậm nhạt của chữ để phân biệt thứ bậc thông tin thay vì thay đổi kích thước chữ. Từ đó, tạo nên sự nhất quán và dễ đọc cho các nội dung văn bản, đồng thời giúp giao diện trở nên gọn gàng và tinh tế hơn.

Phông chữ chính của iOS là San Francisco, trong khi Android sử dụng Roboto làm phông chữ chuẩn. Việc lựa chọn và sử dụng phông chữ phù hợp cho từng nền tảng là rất quan trọng, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của giao diện mà còn tác động đến khả năng đọc và hiểu của người dùng.

>>> Xem thêm: Nguyên tắc bố cục typography chuẩn mực trong thiết kế web 

4.6. Alerts

Cảnh báo (Alerts) là thành phần quan trọng trong việc thông báo và yêu cầu người dùng thực hiện các hành động cụ thể trong ứng dụng. 

Hệ điều hành Android, cảnh báo thường hiển thị dưới dạng các nút văn bản toàn bộ chữ in hoa và căn bên phải, tạo cảm giác chắc chắn và rõ ràng. Các cảnh báo trên Android thường có màu sắc mạnh mẽ để thu hút sự chú ý của người dùng và đảm bảo rằng họ không bỏ lỡ các thông tin quan trọng.

Hình 11: Cảnh báo Android (Nguồn: topflightapps.com)

Hình 11: Cảnh báo Android (Nguồn: topflightapps.com)

Trong khi đó, trên iOS, nút cảnh báo có thể phân biệt chữ hoa chữ thường và thường căn giữa, tạo cảm giác tinh tế và nhẹ nhàng hơn. Cảnh báo trên iOS thường được thiết kế để không gây phiền hà cho người dùng, với màu sắc nhẹ nhàng và các nút điều khiển được sắp xếp một cách hợp lý để đảm bảo tính trực quan và dễ sử dụng.

Hình 12: Cảnh báo iOS (Nguồn: topflightapps.com)

Hình 12: Cảnh báo iOS (Nguồn: topflightapps.com)

Lời kết

Hy vọng rằng qua bài viết của MangoAds, bạn đã nắm bắt được những điểm khác biệt cơ bản trong thiết kế UI giữa Android và iOS khi sử dụng React Native, từ đó tạo ra các ứng dụng chất lượng và thu hút người dùng. Mỗi nền tảng có cách tiếp cận riêng đối với UI/UX, và việc tuân thủ các nguyên tắc này sẽ giúp đảm bảo trải nghiệm người dùng mượt mà và nhất quán. Khi thiết kế UI trong React Native, lập trình viên cần chú ý đến các yếu tố như điều hướng, nút, thẻ, biểu tượng, kiểu chữ và cảnh báo để đảm bảo rằng ứng dụng hoạt động tốt trên cả hai nền tảng Android và iOS.

>>> Xem thêm: Emotional UI - Thiết kế giao diện người dùng cảm xúc