Thanh điều hướng website là gì? Sắp xếp menu tối ưu trải nghiệm

15/09/2021 - Vy Hoang Cong Nhut

Website là một trong những điểm chạm quan trọng trong hành trình mua hàng của người dùng. Để mang đến trải nghiệm tốt, Navigation Bar - thanh điều hướng website đóng vai trò to lớn trong việc tổ chức thông tin, giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm nội dung cần thiết. Vậy một thanh điều hướng hiệu quả cần có những yếu tố nào? Hãy cùng MangoAds khám phá chi tiết trong bài viết dưới đây.

1. Điều hướng website là gì?

Về mặt kỹ thuật, điều hướng website là một tập hợp các thành phần cấu thành nên giao diện người dùng, giúp người truy cập tìm thấy nội dung và các tính năng trên một website. Ngoài việc hỗ trợ di chuyển giữa các trang, hệ thống này còn thể hiện mối liên kết giữa chúng, giúp người dùng hiểu rõ cấu trúc website.

Theo nhà phân tích AI Nathaniel Davis trong một bài báo trên UX Matters, kiến trúc thông tin của một trang web giống như một tảng băng với hai phần chính. Phần điều hướng trang web bao gồm thanh menu, liên kết siêu văn bản và thanh tìm kiếm, được ví như bề nổi, là giao diện điều hướng (Interface), giúp người dùng dễ dàng tiếp cận nội dung. Đây chính là phần thể hiện rõ ràng nhất của kiến trúc thông tin (Information Architecture - IA) trong website.

Đối lập với đó, phần chìm của tảng băng, ẩn dưới mặt nước, đại diện cho những yếu tố mà người dùng không trực tiếp nhìn thấy trên giao diện (front-end), bao gồm nghiên cứu, chiến lược, quản lý và tổ chức. Đây chính là nền tảng tạo nên cấu trúc thông tin của website.

Hình 1: Kiến trúc thông tin của một website được ví như “một tảng băng trôi”

Hình 1: Kiến trúc thông tin của một website được ví như “một tảng băng trôi”

Như đã đề cập ở phần bề nổi, kiến trúc thông tin (IA) của website không trực tiếp hiển thị trong giao diện điều hướng nhưng đóng vai trò nền tảng. Nhờ đó, nội dung được sắp xếp một cách hợp lý, giúp khách truy cập dễ dàng tìm thấy thông tin họ hướng đến mà không cần nhìn thấy những bảng tính hay sơ đồ phức tạp phía sau quá trình tổ chức này.

Dưới đây là một ví dụ về hệ thống phân cấp của một website. Thoạt nhìn có vẻ phức tạp, nhưng thực tế đây chỉ là phần cấu trúc bên trong mà người dùng không trực tiếp thấy. Khi truy cập, họ chỉ nhìn thấy các mục chính trong menu điều hướng. Các trang con sẽ được sắp xếp trong menu phụ (cùng thông tin, mục đích), liên kết chặt chẽ với danh mục chính. Để hiểu rõ hơn, hãy cùng xem sơ đồ bên dưới.

Hình 2: Sơ đồ hệ thống phân cấp của một website

Hình 2: Sơ đồ hệ thống phân cấp của một website

Để dễ hiểu hơn, ta có thể hình dung nó giống như một cây thư mục, nơi mỗi cấp có vai trò riêng trong việc tổ chức nội dung. Cách hoạt động của nó như sau:

  • Home (Trang chủ): Đây là điểm khởi đầu của website. Khi người dùng truy cập, họ sẽ bắt đầu từ đây.
  • Section (Mục chính): Một website có thể có nhiều danh mục chính, chẳng hạn như "Sản phẩm", "Dịch vụ", "Giới thiệu", "Liên hệ". Đây là những mục lớn mà người dùng thường sẽ nhìn thấy trên menu chính.
  • Subpage (Trang con): Trong mỗi mục chính (section) có thể có nhiều trang con. Ví dụ, trong mục "Sản phẩm", có thể có các subpage  như "Bàn ghế", "Tủ kệ", "Giường ngủ". Các trang này thường được hiển thị dưới dạng menu thả xuống hoặc danh mục con.
  • Trang con cấp nhỏ hơn: Dưới các subpage lớn sẽ có thêm các trang con và chúng cũng có thể được chia nhỏ hơn để chứa thông tin chi tiết hơn. Ví dụ, ở mục "Bàn ghế" có thể có "Bàn làm việc", "Bàn ăn", "Ghế sofa" – giúp người dùng tìm đúng thứ họ cần một cách nhanh chóng.

>>> Tổ chức thông tin website hiệu quả với kiến trúc thông tin (IA)

>>> Kiến trúc thông tin – Nền tảng vững chắc cho website

1.1 Điều hướng phụ trên một website là gì?

Điều hướng phụ – còn được biết đến là điều hướng cục bộ – là giao diện mà tại đó khách truy cập có thể tìm thấy các danh mục có cấp độ thấp hơn của kiến trúc thông tin (IA) website. Đây thường là các danh mục phụ điển hình của các liên kết điều hướng chính.

Ví dụ: trên website của Shockz - thương hiệu tai nghe thể thao chuyên nghiệp, menu điều hướng chính chứa mục điều hướng “Sản phẩm”. 

Khi bạn di chuột đến mục điều hướng “Sản phẩm”, menu điều hướng phụ sẽ xuất hiện và đưa ra nhiều điều hướng phụ (mục nhỏ) để bạn có thể nhấn vào tham khảo các dòng sản phẩm của Shockz như: “Openswim”, “Openrun Pro”, “Openrun”, “Openmove”.

Hình 3: Giao diện điều hướng trên website của thương hiệu tai nghe truyền âm qua xương Shokz

Hình 3: Giao diện điều hướng trên website của thương hiệu tai nghe truyền âm qua xương Shokz

1.2 Điều hướng website tốt sẽ mang đến điều gì?

Khả năng điều hướng dễ dàng chính là một trong những tính năng hữu ích nhất đối với một website. Chính bởi một loạt điều hướng này sẽ hỗ trợ khách truy cập website có thể nhanh chóng và dễ dàng tìm thấy thông tin mà họ đang tìm kiếm (chẳng hạn như một bài đăng trên blog hoặc trang sản phẩm). 

Tất nhiên, chúng cũng có thể giúp họ khám phá những thông tin hữu ích khác như giá, trang đăng ký email hoặc thông tin liên hệ ngay cả khi ban đầu họ không có chủ đích tìm kiếm. Điều này khiến việc điều hướng trở thành một phần thiết yếu trong trải nghiệm người dùng và trong chiến lược website của bạn. 

Như đã nói, một hệ thống điều hướng hiệu quả giúp khách truy cập dễ dàng tìm kiếm, khám phá nội dung, giữ họ ở lại trang lâu hơn, đồng thời tăng khả năng thực hiện các hành động mong muốn. Và để thiết kế một hệ thống điều hướng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dùng, bạn cần hiểu rõ về cách triển khai và tối ưu nó. 

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu những nội dung xoay quanh điều hướng website, cách triển khai chúng trên trên trang web của bạn và khám phá những phương pháp thiết kế tốt nhất. 

2. Các loại điều hướng website

Điều hướng là một trong những thành phần thiết kế nếu không muốn nói là quan trọng nhất trên một website, nó cũng ảnh hưởng đến việc khách truy cập sẽ đến thăm trang chủ của bạn và lướt xem hay sẽ nhấp chuột vào nút “Quay lại”.

Vì vậy, cách thiết lập cấu trúc điều hướng website cần dựa trên đối tượng mục tiêu. Từ đó, bạn sẽ chọn được định dạng điều hướng website nào mà bạn nghĩ là sẽ trực quan và dễ tiếp cận, dễ sử dụng nhất đối với người dùng. Sau đây là một số kiểu điều hướng website phổ biến, dễ dàng tiếp cận với khách hàng mà bạn có thể tham khảo và lựa chọn cho website của mình.

2.1 Thanh điều hướng theo chiều ngang

Thanh điều hướng ngang là kiểu menu phổ biến nhất trên website. Các trang chính sẽ được sắp xếp cạnh nhau và đặt trong phần tiêu đề. Thông thường, các website sử dụng những mục quen thuộc như “Giới thiệu”, “Sản phẩm”, “Giá cả” và “Liên hệ” vì đây là những thông tin khách truy cập quan tâm. Tuy nhiên, không phải website nào cũng cần tuân theo cách bố trí này mà có thể tùy chỉnh phù hợp với nhu cầu riêng.

Để dễ hình dung, ta có thể lấy thanh điều hướng trên Elle.vn – một trang báo điện tử về làm đẹp và thời trang – làm ví dụ. 

Thanh menu chính bao gồm sáu danh mục nội dung nổi bật: “Thời trang”, “Làm đẹp”, “Văn hóa”, “Lifestyle”, “Chào ngày mới”, “Video”. Ngoài ra, còn có các trang liên kết đặc biệt như “Elle Shop” (trang mua sắm, review) và “Elle Bride” (chuyên về lĩnh vực cưới) của họ.

Việc phân chia danh mục như vậy giúp khách truy cập dễ dàng tìm thấy nội dung phù hợp với nhu cầu bản thân, đặc biệt là về làm đẹp và thời trang, thay vì chỉ có các trang tiêu chuẩn như Giới thiệu, Giá cả, và Liên hệ.

Vì thế, khi thiết kế thanh điều hướng, hãy tập trung vào mục đích của người dùng để xây dựng kiến trúc thông tin (IA) hợp lý, giúp cải thiện trải nghiệm và giữ chân họ lâu hơn.

Hình 4: Thanh điều hướng ngang được sử dụng trên website của Elle Việt Nam

Hình 4: Thanh điều hướng ngang được sử dụng trên website của Elle Việt Nam

2.2 Menu điều hướng Dropdown (menu thả xuống)

Menu điều hướng Dropdown, hay còn gọi là menu thả xuống, được xem là giải pháp lý tưởng cho các website có cấu trúc thông tin phức tạp và nhiều nội dung.

Nếu trang web của bạn cần chứa nhiều liên kết trong menu điều hướng, việc liệt kê tất cả theo chiều ngang có thể khiến giao diện trở nên lộn xộn, khó sắp xếp hợp lý. Thay vì hiển thị toàn bộ, bạn có thể đặt các danh mục quan trọng hoặc mục chung ở cấp cao, sau đó nhóm các liên kết còn lại vào menu thả xuống để tối ưu trải nghiệm người dùng.

Sephora là một ví dụ điển hình về menu điều hướng dạng Dropdown. Trang web này sử dụng kiểu menu thả xuống để hiển thị danh mục sản phẩm và dịch vụ đa dạng một cách rõ ràng, giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm.

Khi di chuột đến bất kỳ danh mục chính nào trên website, một menu chi tiết sẽ hiện ra, chứa đầy đủ các phân loại sản phẩm. Cách bố trí này giúp tối ưu trải nghiệm mua sắm, giúp khách hàng nhanh chóng tìm thấy sản phẩm mong muốn.

Hình 5: Menu điều hướng Dropdown trên website của Sephora

Hình 5: Menu điều hướng Dropdown trên website của Sephora

2.3 Menu điều hướng dạng hamburger

Menu hamburger là kiểu menu thường thấy trong thiết kế website dành cho thiết bị di động. Trên màn hình lớn như desktop, laptop,... các mục điều hướng thường hiển thị theo chiều ngang, còn trên màn hình nhỏ như di động, chúng được thu gọn thành biểu tượng ba gạch ngang tương tự như một chiếc hamburger.

Hình 6: Minh hoạ về menu điều hướng dạng hamburger

Hình 6: Minh hoạ về menu điều hướng dạng hamburger

Khi người dùng nhấp vào biểu tượng này, menu sẽ xổ xuống theo chiều dọc hoặc ngang. Kiểu thiết kế này là mô hình lý tưởng cho các ứng dụng di động hoặc website có không gian hiển thị hạn chế.

Hãy xem menu dạng hamburger trên website dành cho thiết bị di động của Adidas Việt Nam.

Hình 7: Menu điều hướng dạng hamburger trên website của Adidas Việt Nam

Hình 7: Menu điều hướng dạng hamburger trên website của Adidas Việt Nam

>>> Thiết kế Menu Hamburger dễ dàng và ấn tượng

>>> Top những menu hamburger ấn tượng

2.4 Menu dạng Vertical Sidebar

Với loại menu này, các mục điều hướng được xếp chồng lên nhau và bố trí dọc theo thanh bên (sidebar) như hình bên dưới. Dù không phổ biến như menu ngang, nhưng điều hướng Vertical Sidebar vẫn mang lại nhiều lợi ích.

Do không bị giới hạn về không gian hiển thị, kiểu menu này cho phép bạn thêm các liên kết điều hướng dài hơn và đưa vào nhiều tùy chọn cấp cao hơn. Tính năng này đặc biệt hữu ích cho các nhà hàng, agency hoặc doanh nghiệp sáng tạo.

Ví dụ, đây là Vertical Sidebar của Lost Bird, một trang web chuyên kiến tạo nội dung giá trị.

Hình 8: Navigation menu dạng Vertical Sidebar của Lost Bird

Hình 8: Navigation menu dạng Vertical Sidebar của Lost Bird

2.5 Menu điều hướng Footer

Menu Footer là thanh điều hướng nằm cuối trang web, thường được ghép nối hoặc mở rộng từ menu điều hướng dạng ngang. 

Khi khách truy cập không tìm thấy liên kết điều hướng mà họ đang tìm kiếm trong tiêu đề, họ có thể cuộn xuống phía cuối trang để có thêm nhiều tùy chọn mà không cần cuộn lại lên đầu trang.

Lấy ví dụ về thanh điều hướng Footer của DIVI. Đây là cấu trúc Footer Navigation dạng cơ bản, thường chỉ có một hàng hoặc một nhóm liên kết đơn giản như Trang chủ, Giới thiệu, Liên hệ, Điều khoản sử dụng.

Hình 9: Menu website dạng Footer của DIVI

Hình 9: Menu website dạng Footer của DIVI

Tiếp đến, ta cùng theo dõi Footer Navigation của trang web CNN và có cấu trúc "doormat navigation” - một phiên bản mở rộng và nâng cao hơn của Footer Navigation, tổ chức nhiều liên kết theo từng danh mục rõ ràng. Cấu trúc sẽ được chia thành nhiều cột, mỗi cột có tiêu đề chính và nhiều liên kết con.

Hình 10: Menu điều hướng Footer của CNN

Hình 10: Menu điều hướng Footer của CNN

3. Thiết kế thanh điều hướng website

Không có một thiết kế điều hướng website nào hoàn hảo tuyệt đối. Điều bạn cần quan tâm là đảm bảo khách truy cập dễ dàng tìm thấy nội dung họ cần, dù là lần đầu hay sau này quay lại website của mình vì một mục đích nào đó, chẳng hạn như mua sắm, đọc tin tức hoặc tìm kiếm thông tin cụ thể, do đó điều hướng mà bạn tạo ra cần đơn giản và thuận tiện.

Vì thế, hãy thiết kế website lấy trọng tâm là đối tượng truy cập đặc trưng, hướng đi này giúp cho cấu trúc điều hướng trở nên khác biệt, phù hợp hơn và mang lại trải nghiệm mới mẻ hơn.

Vậy một thanh điều hướng phù hợp với người dùng sẽ bao gồm những gì? Hãy cùng xem qua các giai đoạn trong quy trình thiết kế menu điều hướng website dưới đây.

3.1 Thanh điều hướng website nên bao gồm những gì?

Với số lượng trang lớn trên website, việc chọn trang nào đủ quan trọng để đưa vào thanh điều hướng chung có thể là một thách thức. Thế nên làm thế nào để thu hẹp danh sách này? Bạn có thể tham khảo ý kiến từ các phòng ban trong doanh nghiệp, chọn lọc góp ý để tối ưu website. Tuy nhiên, nhu cầu của khách truy cập vẫn là yếu tố quan trọng cần được để tâm. Vậy nên, hãy phân tích hành vi người dùng để xác định cấu trúc điều hướng phù hợp nhất.

3.2 Những phương pháp xác định thiết kế điều hướng website

  • Card Sorting

Card Sorting là kỹ thuật UX đơn giản giúp bạn hiểu cách khách truy cập suy nghĩ và tổ chức nội dung điều hướng website dưới góc nhìn của họ. Điều đặc biệt là ngay cả khi bạn không có nhiều kinh nghiệm về UX vẫn có thể áp dụng kỹ thuật này một cách dễ dàng.

Ví dụ đơn giản cho kỹ thuật này bạn có thể thử nghiệm như sau: 

Bạn có thể mời một nhóm người bên ngoài tổ chức của bạn tham gia một bài tập 20 phút đơn giản. Chuẩn bị một chồng thẻ, mỗi thẻ đại diện cho một trang chính trên website. Đặt các thẻ lên bàn và yêu cầu họ sắp xếp theo cách mà họ cho là hợp lý. 

Nhiệm vụ của bạn là quan sát xu hướng sắp xếp, cách họ phân nhóm các trang và đặt tên cho từng danh mục. Kết quả từ bài tập này sẽ giúp bạn định hình cấu trúc website một cách trực quan và phù hợp hơn với người dùng thông qua nhãn quang và lối suy nghĩ của họ.

Hình 11: Card Sorting là một cách giúp tìm ra các mục quan trọng nhất để xây dựng nên “xương sống” cho website

Hình 11: Card Sorting là một cách giúp tìm ra các mục quan trọng nhất để xây dựng nên “xương sống” cho website

>>> Phương pháp nghiên cứu UX hiệu quả

  • Báo cáo phân bổ

Nếu phần mềm phân tích marketing của bạn hỗ trợ tính năng này, báo cáo phân bổ sẽ là công cụ hữu ích giúp bạn xác định nội dung quan trọng nên đưa vào thanh điều hướng chính. 

Báo cáo này theo dõi cách các kết nối mới tương tác với doanh nghiệp, giúp bạn hiểu rõ hơn về nội dung và tính năng nào trên website thu hút và chuyển đổi khách truy cập thành khách hàng tiềm năng. Dưới đây là một số báo cáo mẫu có sẵn trong công cụ của HubSpot.

Hình 12: Một mẫu báo cáo phân bổ trong công cụ báo cáo phân bổ của HubSpot

Hình 12: Một mẫu báo cáo phân bổ trong công cụ báo cáo phân bổ của HubSpot

  • Users Flow

Tuy nhiên, nếu không có báo cáo phân bổ, bạn vẫn có thể biết được những trang nào là quan trọng trên website của mình thông qua báo cáo Users Flow trong Google Analytics. Mặc dù mẫu báo cáo này không phân biệt lượng truy cập tiêu chuẩn từ khách hàng, nhưng nó sẽ làm nổi bật cách thức mà người dùng cho là điều hướng phù hợp với trải nghiệm của họ trên website của bạn.

Nói theo cách riêng của Google thì: “Báo cáo Users Flow là bản trình bày đồ họa về các đường dẫn mà người dùng đã đi qua website của bạn, từ nguồn trang, qua các trang khác nhau và đâu là nơi dẫn họ đã thoát ra khỏi website của bạn.”

  • Sắp xếp thứ tự các mục điều hướng như thế nào là phù hợp cho website?

Thứ tự sắp xếp trong điều hướng website cũng có ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm người dùng. Nghiên cứu nhận thức cho thấy người dùng thường ghi nhớ các liên kết ở đầu và cuối thanh điều hướng nhiều nhất. Đây được gọi là hiệu ứng đầu tiên và hiệu ứng tức thì (primacy and recency effects), mô tả xu hướng tập trung hơn của người xem vào những mục xuất hiện đầu tiên hoặc cuối cùng trong danh sách.

Vì vậy, đối với website của bạn, hãy lên kế hoạch về những mục mà bạn đặt ở những vị trí này (đầu tiên và cuối cùng). Bạn cần suy nghĩ xem điều gì là quan trọng nhất đối với khách truy cập đặc trưng mà bạn đang nhắm tới.

Trong một bài viết trên blog của Neil Patel về chiến lược giá web, Andy Crestodina khuyên rằng: “Hãy đặt các mục quan trọng nhất ở phần đầu thanh điều hướng, còn các mục ít quan trọng hơn ở giữa.” 

Theo đó, mục "Liên hệ" nên nằm ở cuối danh sách, được đặt ở góc phải trên thanh điều hướng ngang – đây là vị trí tiêu chuẩn giúp người dùng dễ dàng tìm thấy.

3.3 Diễn đạt các tùy chọn điều hướng như thế nào?

Cách thức bạn diễn đạt các tùy chọn điều hướng của mình sẽ tùy thuộc vào loại hình kinh doanh hoặc tổ chức của bạn. Bạn có thể lựa chọn cách thức đơn giản hoặc thử nghiệm với nhiều mẫu sáng tạo hơn.

Khi đặt tên cho các liên kết điều hướng, bạn nên ưu tiên ngôn ngữ khách hàng thường sử dụng để mô tả trang. Sau đó, cân nhắc yếu tố tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) để tăng hiệu quả hiển thị.

  • Dựa trên đối tượng

Điều hướng dựa trên đối tượng được cho là sự tùy chọn rõ ràng nhất cho các website. Cách này sắp xếp nội dung vào các danh mục cụ thể (thường là danh từ) để người dùng dễ dàng tìm kiếm. Ví dụ như  website của Đại học RMIT bên dưới, loại sắp xếp này coi điều hướng như một mục lục và nhóm các trang vào chủ đề hoặc danh mục phù hợp nhất.

Hình 13: Website của Đại học RMIT có các mục được phân nhóm theo đối tượng

Hình 13: Website của Đại học RMIT có các mục được phân nhóm theo đối tượng

Ngoài ra, hãy lưu ý răng, các liên kết điều hướng ở bên phải nên thiên về việc dựa trên hành động nhiều hơn là dựa trên đối tượng. Dưới đây là cách xác định điều này.

  • Dựa trên hành động

Một số website có thể được phục vụ tốt hơn nhờ vào việc điều hướng theo hành động. Để biết khi nào điều này là thích hợp, hãy hỏi khách hàng của bạn xem họ chủ yếu đến website của bạn để tìm hiểu về điều gì đó hay để thực hiện một hành động cụ thể.

Ví dụ, trên website của Đại học Howard, khách truy cập thường có mục đích rõ ràng. Họ không đơn thuần muốn đọc trang “Giới thiệu” mà chủ yếu vào để đăng ký, truy cập tài liệu hoặc quyên góp.

Hình 14: Các mục trên website của Đại học Howard được phân nhóm theo hành động

Hình 14: Các mục trên website của Đại học Howard được phân nhóm theo hành động

  • Dựa trên đối tượng khách hàng

Với các công ty có nhiều nhóm khách hàng khác nhau, việc sử dụng điều hướng theo đối tượng hoặc điều hướng phụ có thể giúp người dùng tìm thấy thông tin nhanh hơn như ví dụ bên dưới. Tuy nhiên, cách này chỉ hiệu quả khi khách truy cập dễ dàng xác định họ thuộc nhóm nào.

Chẳng hạn, bạn không nên dùng các danh mục mơ hồ như "Công ty vừa", "Công ty nhỏ" hay "Công ty tiếp thị", "Agency quảng cáo", vì những thuật ngữ này có thể gây nhầm lẫn, khiến khách hàng bối rối không biết nên chọn mục nào.

Trong ví dụ dưới đây, Trường Cao đẳng Boston đã làm rất tốt trong việc sử dụng kết hợp cách tiếp cận dựa trên đối tượng khách hàng và điều hướng dựa trên đối tượng, giúp trải nghiệm người dùng trực quan và hiệu quả hơn.

Hình 15: Menu điều hướng trên website của Trường Cao đẳng Boston

Hình 15: Menu điều hướng trên website của Trường Cao đẳng Boston

Cách tiếp cận theo đối tượng khách hàng của họ bao gồm:

- About BC: Dành cho những ai muốn tìm hiểu tổng quan về trường.

- Admission: Sẽ hướng đến sinh viên tiềm năng quan tâm đến quy trình tuyển sinh.

- Academics: Phục vụ sinh viên hiện tại và giảng viên tìm kiếm thông tin về các chương trình học.

- Campus Life: Dành cho sinh viên muốn khám phá đời sống trong khuôn viên trường.

Cách tiếp cận theo nhu cầu thông tin sẽ bao gồm:

- Research: Nhóm nội dung dành cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên quan tâm đến nghiên cứu khoa học.

- Jesuit, Catholic: Thể hiện giá trị cốt lõi và bản sắc tôn giáo của trường, thu hút những người quan tâm đến truyền thống Jesuit.

  • Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm

Để thiết kế menu điều hướng hiệu quả, bạn cần hiểu cách khách hàng tự nhiên sắp xếp thông tin trên website. Song song đó, bạn cũng cần nghĩ về việc làm thế nào để tối ưu hóa tốt nhất các danh mục điều hướng của mình cho việc tìm kiếm hiệu quả hơn. Theo Kristina Kledzik – chiến lược gia SEO tại Distilled nói rằng, bạn nên sử dụng Google Analytics và công cụ Từ khóa của Google để xác định các cụm từ tìm kiếm phổ biến nhất. Sau đó, tận dụng những từ khóa này để tạo liên kết điều hướng, giúp khách truy cập dễ dàng tìm thấy nội dung quan trọng trên website.

4. Các phương pháp điều hướng website tốt nhất

Không có một kiểu thiết kế điều hướng website nào hoàn toàn đúng hoặc sai, nhưng vẫn có những "quy tắc vàng" giúp tối ưu trải nghiệm người dùng mà bạn có thể cần chú ý. Chuyên gia Steve Krug - chuyên tư vấn về khả năng sử dụng, trong cuốn sách của mình, đã viết một cuốn sách dựa trên quan điểm này. Để giúp người dùng có thể điều hướng website của bạn một cách dễ dàng mà không gặp khó khăn, hãy thử tham khảo những phương pháp hiệu quả dưới đây.

4.1 Hãy nhất quán

Đảm bảo sự nhất quán trong thiết kế và định dạng giao diện điều hướng. Mục đích chính của việc này hướng đến các hiểu biết hiện tại và sự kỳ vọng của khách truy cập, giúp họ dễ dàng nhận diện và sử dụng các liên kết.

Giả sử trên trang chủ của bạn, các liên kết sẽ có màu đen và gạch dưới xuất hiện khi người dùng di chuột qua chúng, thì toàn bộ website cũng nên tuân theo phong cách này. Bạn nên áp dụng phong cách chung đó cho tất cả các liên kết điều hướng ở mọi trang trong website của bạn. Ngược lại, nếu mỗi trang có cách hiển thị liên kết khác nhau, người dùng có thể nhầm lẫn và không biết đâu là văn bản có đường dẫn có thể nhấp vào.

Madewell là một ví dụ về sự nhất quán trong điều hướng. Họ duy trì cùng một kiểu liên kết cho cả menu chính và menu phụ. Trong menu phụ, các mục nhỏ hơn, không in đậm, đóng vai trò dấu hiệu trực quan giúp người dùng nhận biết chúng có tầm quan trọng thứ yếu.

Hình 16: Menu điều hướng trên website của Madewell

Hình 16: Menu điều hướng trên website của Madewell

4.2 Thiết kế phù hợp cho mọi kích thước màn hình

Theo thống kê, vào tháng 10/2024, thế giới có 5,75 tỷ người sử dụng điện thoại di động, chiếm 70,3% dân số toàn cầu. Trong số đó, hơn 85% là điện thoại thông minh. Vì vậy, việc tối ưu website cho thiết bị di động và các kích thước màn hình khác, bao gồm cả menu website, trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Khi thiết kế điều hướng website, trải nghiệm trên thiết bị di động nên được ưu tiên trước. Bắt đầu với màn hình nhỏ giúp bạn xác định các liên kết quan trọng nhất và sắp xếp chúng hợp lý. Đồng thời, xác định và quyết định những tính năng điều hướng cần thiết, như nút hamburger, và cách chúng tương thích với thiết kế trên laptop. Cách tiếp cận này giúp bạn có cái nhìn rõ ràng về các trang và tính năng quan trọng khi mở rộng sang màn hình lớn hơn.

>>> 7 yếu tố UX/UI nâng tầm trải nghiệm ứng dụng di động

>>> Tối ưu nội dung cho di động – Đơn giản mà hiệu quả!

4.3 Tăng khả năng truy cập cho thông tin quan trọng nhất

Bạn đã từng nghe về quy tắc ba lần nhấp chuột chưa? Đây là nguyên tắc cho rằng mọi website nên được thiết kế sao cho người dùng có thể tìm thấy nội dung họ cần chỉ trong ba cú nhấp chuột.

Quy tắc này đã xuất hiện từ lâu trong thiết kế web, nhưng tính chính xác của nó vẫn gây tranh cãi. Thực tế, một nghiên cứu cho thấy người dùng không rời bỏ nhiệm vụ sau ba lần nhấp chuột, mà thường tiếp tục đến 12 lần trước khi bỏ cuộc. Biểu đồ dưới đây thậm chí cho thấy một số người vẫn kiên trì tìm kiếm nội dung sau 25 lần nhấp chuột.

Hình 17: Biểu đồ thể hiện tỷ lệ người dùng hoàn thành task qua các lần nhấp chuột

Hình 17: Biểu đồ thể hiện tỷ lệ người dùng hoàn thành task qua các lần nhấp chuột

Nền tảng của quy tắc này là khá tốt, giúp bạn giới hạn nỗ lực cần thiết để khách truy cập dễ dàng tìm thấy thông tin quan trọng hoặc hoàn thành một tác vụ trên website. Thay vì chỉ đếm số lần nhấp chuột, hãy tập trung vào việc tối ưu đường dẫn, rút ngắn thời gian tải trang và loại bỏ các rào cản trong trải nghiệm người dùng.

4.4 Bổ sung Breadcrumb

Để hiểu về điều hướng breadcrumb, hãy cùng xem câu chuyện cổ tích về Hansel và Gretel. Khi đi lạc trong rừng, hai đứa trẻ rải vụn bánh mì dọc đường để dễ dàng tìm đường về nhà. Tương tự, menu website dạng breadcrumb cũng giúp người dùng xác định vị trí của mình trong cấu trúc trang, hình dung được họ đang ở đâu và nhanh chóng quay lại các cấp cao hơn một cách thuận tiện.

Breadcrumb không chiếm nhiều diện tích trên trang. Thanh điều hướng phụ này thường được tạo thành từ các liên kết văn bản được phân cách bằng dấu “>” và được đặt ngay dưới tiêu đề.

Trong ví dụ từ Best Buy dưới đây, bạn có thể đang lướt xem các máy tính xách tay PC và bạn chợt nhận ra rằng mình muốn có một chiếc máy tính bảng. Thay vì bắt đầu lại với một truy vấn mới trong hộp tìm kiếm, bạn chỉ cần nhấp vào liên kết “Máy tính & Máy tính bảng” trong menu breadcrumb.

Ví dụ, khi duyệt danh mục laptop trên Best Buy, nếu bạn muốn tìm Tablet, thay vì nhập lại từ khóa trong ô tìm kiếm, bạn chỉ cần nhấp vào liên kết “Computers & Tablets” trong breadcrumb để quay lại danh mục rộng hơn.

Hình 18: Menu phụ Breadcrumb trên website của Best Buy

Hình 18: Menu phụ Breadcrumb trên website của Best Buy

5. Thiết kế thanh điều hướng website phù hợp với bạn

Việc thiết kế menu cần được tối ưu dựa trên hành vi của khách truy cập và mục tiêu của trang. Và bạn cần đảm bảo rằng cả người dùng và công cụ tìm kiếm có thể dễ dàng tìm thấy nội dung hoặc tính năng mà họ đang tìm kiếm và hiểu được mối quan hệ giữa các trang. Như vậy, họ sẽ tiếp tục lướt xem và thực hiện các hành động như mong muốn trên trang web của bạn – như tạo tài khoản hoặc hoàn tất mua hàng – thay vì thất vọng và thoát ra ngoài.

6. Lời kết

Ở trên đây là một số thông tin liên quan đến Navigation Bar và các dạng điều hướng website phổ biến hiện nay.  Hy vọng chia sẻ từ MangoAds giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn, từ đó tối ưu hệ thống điều hướng trên website của mình để nâng cao trải nghiệm người dùng, cải thiện SEO và đạt được hiệu quả tốt hơn trong định hướng phát triển website. và định hướng phát triển website hiệu quả.