Cách tối ưu hóa bài post trên mạng xã hội phù hợp cho người khuyết tật
19/04/2021 - Vy Hoang Cong Nhut
Bạn đang băn khoăn không biết nên làm thế nào để tạo ra những nội dung dễ tiếp cận hơn với người khuyết tật? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá các phương pháp và công cụ giúp cho mọi người đặc biệt là người khiếm thị có thể dễ dàng truy cập vào nội dung mạng xã hội của bạn nhé.
Tại sao khả năng tiếp cận lại quan trọng đối với các Marketers?
Nhiều người cho rằng khả năng tiếp cận là một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu đối với các trang mạng xã hội và vì thế các nhà phát triển mạng xã hội luôn muốn làm tăng khả năng tiếp cận cho khách hàng của mình.
Khả năng truy cập trực tuyến là một tổ hợp phức tạp của thiết kế website, các tính năng của trình duyệt, các công cụ hỗ trợ tiếp cận và là cách thức mà người dùng cá nhân chia sẻ nội dung. Bạn có thể tạo ra sự khác biệt về khả năng truy cập chỉ bằng cách áp dụng một số quy tắc và công cụ cho nội dung mạng xã hội của mình.
Hình 1: Khả năng tiếp cận là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong tiếp thị
Nói cách khác, nếu bạn không sử dụng các quy tắc và công cụ này, cũng đồng nghĩa với việc bạn đang tự loại bỏ một số lượng lớn người dùng ra khỏi thương hiệu của mình. Theo chính phủ Vương quốc Anh, cứ 5 người thì có ít nhất một người bị khuyết tật tạm thời hoặc lâu dài. Và đó cũng chính là 20% khách hàng tiềm năng của bạn. Điều bạn cần làm là không nên bỏ qua những khách hàng này và cần phải tăng khả năng tiếp cận của họ trên các trang MXH của bạn..
Tin tốt là trên một số nền tảng mạng xã hội như LinkedIn, Facebook và Twitter đã bắt đầu giới thiệu nhiều tính năng hỗ trợ để tăng khả năng truy cập văn bản, hình ảnh và video dễ dàng hơn cho người khuyết tật. Khi đang ở trên các nền tảng đó, bạn không cần phải lo lắng về việc liệu các điều hướng (navigation) trang có được đánh dấu chính xác hay không.
Hình 2: Các trang MXH đang bắt đầu hướng đến người dùng khuyết tật
Mặt khác, các phương tiện truyền thông và thiết kế nội dung của bạn cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận, đôi khi theo những cách khá bất ngờ. Nếu bạn chưa bao giờ quan tâm đến khả năng tiếp cận trước đây, rất có thể nội dung của bạn đã mắc khá nhiều lỗi không đáng có. Dưới đây là một số mẹo và công cụ cơ bản để đăng văn bản, hình ảnh, video và link có thể truy cập lên mạng xã hội.
Lưu ý: Lời khuyên này được thiết kế để giúp nội dung mạng xã hội của bạn dễ tiếp cận hơn. Đương nhiên những công cụ này sẽ không hoàn hảo vì hiện nay các trang mạng xã hội cũng chưa được hoàn hảo và rất khó lường trước mọi vấn đề về khả năng truy cập mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên những công cụ này vẫn sẽ là phương thức hiệu quả cho bạn nếu như muốn tăng khả năng truy cập cho các trang mạng xã hội của mình.
# 1: Làm cho văn bản có thể truy cập được
Ngày nay, các nội dung trên mạng xã hội chủ yếu sẽ được thể hiện nhiều dưới dạng hình ảnh và video nhưng tất cả chúng đều sẽ được bắt đầu bằng văn bản. Dưới đây là một số cách bạn có thể chia sẻ văn bản trên mạng xã hội:
- Cập nhật trang Facebook
- Tweet
- Văn bản trong phần Story trên Instagram hoặc Facebook
- Bài post trên LinkedIn
- Các bài báo trên LinkedIn
- Nhận xét về bài post trên Facebook hoặc Instagram
- Trả lời trên Twitter
- Tin nhắn trực tiếp
- Quảng cáo trên mạng xã hội
- Tiểu sử hồ sơ
Mỗi khi bạn chia sẻ một đoạn văn bản trực tuyến, bạn cần nghĩ về khả năng tiếp cận của nó theo hai cách. Đầu tiên, văn bản có thể truy cập trực quan không? Và thứ hai, nó có dễ đọc không?
Hãy bắt đầu với điểm đầu tiên. Truy cập trực quan có nghĩa là mọi người có thể nhìn thấy nó. Và tốt nhất là bạn không nên để văn bản có phông chữ khác thường, chữ quá nhỏ hoặc có màu quá gần với màu nền.
Có một lý do mà hầu hết các mạng xã hội sử dụng phông chữ mặc định sans-serif vì chúng thường dễ đọc hơn. Nếu bạn muốn sử dụng phông chữ hoặc ký tự không thuộc quy trình chuẩn, bạn phải sao chép và dán văn bản lên trình chuyển đổi phông chữ. Tuy nhiên điều này sẽ không giúp cho nội dung của bạn trông được gọn gàng hơn mà ngược lại chúng sẽ trở nên tồi tệ thấy rõ.
Hình 3: Sử dụng phông mặc định sans-serif để giúp bài viết dễ đọc hơn
Rõ ràng là văn bản được chuyển đổi sẽ được hiển thị kém rõ ràng hơn so với phông chữ sans-serif tiêu chuẩn. Và đặc biệt trong một số phông chữ, một số từ khi được chuyển đổi từ phông này sang phông khác sẽ không còn được thể hiện dưới dạng từ nữa. Thay vào đó, mỗi chữ cái đã được chuyển đổi thành một ký hiệu Unicode .
Lấy ví dụ minh họa như chữ “T” được viết theo phông Gothic xinh đẹp nhưng khi được chuyển đổi theo trình chuyển đổi văn bản thì nó sẽ hiển thị thành biểu tượng “U + 1D517”.
Vì vậy, nếu bạn sử dụng trình đọc màn hình, bạn sẽ không nghe thấy cụm từ “Đây là trình chuyển đổi văn bản cho mạng xã hội” mà bạn sẽ chỉ thấy cụm văn bản vô nghĩa: “U + 1D517 U + 1D515 U + 1D526 U + 1D530…
Hình 4: Bạn nên sử dụng phông chữ mặc định để giúp người xem dễ dàng đọc nội dung hơn
Hầu hết các trình đọc màn hình hiện nay cũng phải không ngừng vật lộn với việc cho phép hiển thị các biểu tượng cảm xúc, các ký tự không chuẩn và một số dấu câu phức tạp. Cũng giống như văn bản Gothic ưa thích trong ví dụ trên, chúng sẽ đọc Unicode cho từng ký tự hoặc bỏ qua hoàn toàn.
Tất nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng biểu tượng cảm xúc cho những nội dung của mình. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn không sử dụng chúng để thay thế cho các từ khóa.
Và tốt nhất bạn chỉ nên sử dụng mỗi biểu tượng cảm xúc một lần duy nhất. Điều đó cũng sẽ giúp cho trình đọc màn hình không phải đọc cùng một Unicode ra ba lần liên tiếp.
Hình 5: Thêm các biểu tượng cảm xúc để bài viết trở nên thú vị hơn
Cuối cùng, đừng quên quy tắc cơ bản nhất của copywriting: Hãy đơn giản hóa mọi nội dung bạn viết. Các bài viết ngắn thực sự có thể khó viết hơn các bài dài vì bạn phải chọn lọc nội dung thật kỹ và gói gọn nó chỉ trong một vài ký tự.
Bạn cũng nên tránh viết những từ có giá trị hoặc đơn vị tiền tệ như mười đô la, những ngữ pháp phức tạp không cần thiết và các thành ngữ khó hiểu. Những cách viết thông minh có thể mang lại niềm vui cho người viết nhưng nó không phải lúc nào cũng là một trải nghiệm tuyệt vời cho người đọc.
# 2: Làm cho hình ảnh có thể truy cập được
Thông thường người dùng mạng sẽ dành sự chú ý nhiều hơn đến các nội dung là hình ảnh. Và điều đó cũng thể hiện qua việc hầu hết nội dung, sự tương tác và sự hấp dẫn của các content đều xoay quanh ảnh, đồ họa thông tin, hình ảnh và meme. Tuy nhiên, nếu bạn là người không thể nhìn hoặc không thể nhìn rõ, thì điều này lại trở thành một khó khăn ngăn cản bạn tiếp cận với các trang mạng xã hội ấy..
Bất cứ khi nào bạn chia sẻ một hình ảnh trên mạng xã hội, bạn nên đảm bảo rằng:
- Rất dễ nhìn và dễ hiểu.
- Có một phương tiện thay thế cho những người không thể nhìn thấy hình ảnh.
Hãy bắt đầu với “dễ nhìn”. Bạn cần phải lưu ý rằng mọi ảnh bạn chia sẻ phải đủ ánh sáng, từ một góc rõ ràng và không bị nhiễu quá nhiều. Nếu bạn chia sẻ hình ảnh minh họa, hình ảnh do máy tính tạo ra hoặc hình ảnh đã chỉnh sửa, bạn cũng cần phải chú ý đến các bảng màu và các chi tiết kết hợp.
Hình 6: Hình ảnh cần phải dễ nhìn và dễ tiếp cận
Một trong những công cụ chỉnh sửa ảnh tốt nhất hiện nay chính là một website miễn phí có tên là Who Can Use. Bạn có thể tự do điều chỉnh kích thước ảnh hoặc có thể thoải mái lựa chọn bảng màu và website sẽ cho bạn biết những bức ảnh đó sẽ trông như thế nào đối với những người bị khiếm thị.
Bên cạnh đó website này cũng sẽ cung cấp cho bạn biết tỷ lệ phần trăm cho mỗi khuyết điểm trên ảnh.
Một công cụ hữu ích khác là Color Safe . Đây là một ứng dụng miễn phí khác có cách tiếp cận tương tự. Bạn cho ứng dụng biết màu nền, kích thước phông chữ và một vài chi tiết thiết kế khác và nó sẽ đề xuất các kết hợp màu có thể sử dụng.
Tiếp theo, hãy nói về các phương tiện thay thế. Nếu ai đó không thể xem hình ảnh, họ sẽ có thể truy cập thông tin mà hình ảnh đó nắm giữ theo cách khác. Đây là lý do tại sao chúng ta có thẻ alt text.
Giờ đây, bạn có thể thêm văn bản thay thế vào hình ảnh trên Twitter , LinkedIn , Facebook và Instagram. (LinkedIn và Facebook thậm chí còn có các công cụ tự động tạo văn bản thay thế nếu bạn quên nhưng bạn nên tự viết nó.)
Một số người nghiệp dư sử dụng văn bản thay thế để tăng SEO và viết những thứ linh tinh lên đó. Điều này không hữu ích. Nếu bạn lo lắng về SEO, hãy tạo ra một chú thích cho hình ảnh. Chú thích văn bản thay thế của bạn sẽ mô tả những gì có trong ảnh mà không cần bất kỳ chỉnh sửa nào.
Hình 7: Tạo chú thích hình ảnh giúp cho người xem dễ nắm bắt được nội dung ảnh
Mặt khác, bạn cũng nên chú ý đến sự khác biệt giữa văn bản hình ảnh và văn bản trực tiếp. Văn bản trực tiếp là văn bản mà trình đọc màn hình có thể nhìn thấy nó hiển thị trực tiếp trên trang. Nó hoàn toàn khác so với văn bản hình ảnh. Nếu bạn chụp ảnh ai đó đang chỉ tay vào một biển báo, trình đọc màn hình sẽ không thể đọc biển báo đó. Và nếu bạn Photoshop một số văn bản vào một hình ảnh, nó có thể cũng sẽ bị ẩn đối với người khuyết tật. Vì vậy, bạn sẽ cần phải ghi nó trong thẻ alt text.
Đây là cách mà LinkedIn thực hiện. Và bạn sẽ có đến 120 ký tự để viết cho phần alt text, vì thế đừng nên hà tiện quá mà hãy viết thoải mái lên.
# 3: Làm cho video có thể truy cập được
So với những nội dung khác thì video lại có ít khả năng truy cập hơn. Nếu bạn là người có thị giác và thính giác, video có vẻ rất trực quan; đó cũng là một cách dễ dàng để giao tiếp. Bạn chỉ cần nhấn vào camera và có thể làm mọi thứ bạn thích.
Tuy nhiên nếu như bạn bị khuyết tật nên nghe không rõ hoặc không thể nhìn thấy gì thì video sẽ là một cơn ác mộng. Chúng di chuyển quá nhanh. Bạn không thể nhìn thấy hoặc nghe thấy thông tin cần thiết. Bên cạnh đó nhạc nền và hiệu ứng hình ảnh sẽ khiến bạn mất tập trung.
Mặc dù vậy video là một phương tiện tuyệt vời để truyền tải nội dung. Nhưng bạn cần phải lưu ý về khả năng tiếp cận của nó.
Hãy bắt đầu với hình ảnh. Một lần nữa, các quy tắc cơ bản bạn cần biết đó là: ánh sáng tốt, góc chụp rõ ràng và không có quá nhiều hậu cảnh lộn xộn. Cố gắng tránh để máy ảnh bị rung hoặc có nhiều hiệu ứng chồng lên nhau trừ khi bạn dùng chúng có chủ đích. Nếu bạn muốn sử dụng hiệu ứng nhấp nháy hoặc bất kỳ thứ gì tương tự, hãy thêm cảnh báo vào video, tiêu đề và mô tả.
Hình 8: Hình ảnh trên video cần phải rõ ràng, nếu có hiệu ứng khó chịu, hãy cảnh báo cho họ
Nếu bạn đang tạo một video trò chuyện, hãy đảm bảo rằng nó có thể truy cập được. Bạn cũng phải chắc chắn rằng người nói đang hướng về máy ảnh và khuôn mặt của họ được chiếu sáng tốt. Yêu cầu họ nói một cách tự nhiên, với tốc độ bình thường và khuôn mặt không quá cường điệu. Họ cũng nên tránh dùng tay hoặc quần áo che mặt.
Tiếp theo, hãy nói về âm thanh. Nếu bạn định sử dụng nhạc nền cũng như lời nói, hãy đảm bảo rằng âm thanh phát ra một cách chính xác và rõ ràng. Bất kỳ loại tiếng ồn nào xung quanh như tiếng xây dựng, giao thông đường phố hoặc các cuộc trò chuyện khác xảy ra phía sau loa cũng sẽ khiến người khiếm thính khó phân biệt được những âm thanh quan trọng cần nghe.
Và, tất nhiên, bạn phải có phụ đề. Có rất nhiều công cụ tạo phụ đề tự động và phụ đề miễn phí trên mạng. Facebook và YouTube cung cấp phụ đề được tạo tự động, rất hữu ích nhưng không phải lúc nào cũng chính xác. Ngoài ra, Facebook dường như chỉ cung cấp phụ đề cho các bài post trên trang của họ. Vì thế, bạn nên dành thời gian để viết phụ đề của riêng bạn hoặc chỉnh sửa phụ đề từ trình tạo tự động.
Hình 9: Bạn nên tự viết phụ đề cho các video của mình
Các ứng dụng như Clipomatic (4,99 USD cho iOS) hoặc AutoCap (miễn phí cho Android) cũng có thể được dùng để tạo phụ đề trong thời gian cho cả hai sự lựa chọn định dạng video là ngang hoặc dọc. Một bài viết trên trang TechRepublic có đề cập đến một số công cụ tạo phụ đề khác nhau và hầu hết các ứng dụng này đều có tính năng tạo ra định dạng phụ đề khá dễ thương. Hãy chọn một cái phù hợp với hình ảnh thương hiệu của bạn nhưng cũng cần phải lưu ý đến khả năng tiếp cận. Một tùy chọn khác cho các bài post trên MXH là bạn có thể đăng các điểm chính của video lên dưới dạng hình dán văn bản.
Hình 10: Tạo phụ đề để người khiếm thính có thể dễ dàng theo dõi video
Còn các mạng xã hội gần như hoàn toàn dành cho video, như Snapchat và TikTok thì sao? Bạn vẫn có thể thêm hình dán văn bản và phụ đề vào video của mình nếu bạn chỉnh sửa chúng sau khi quay. Tuy nhiên đối với các video trực tiếp nhanh thì chúng sẽ rất khó để chú thích.
Tốt nhất bạn nên đọc các bài viết về cách người khiếm thị sử dụng Snapchat. Nó sẽ giúp cung cấp cho bạn các ý tưởng về cách làm cho nội dung của bạn dễ tiếp cận hơn.
Cuối cùng bạn nên cung cấp một bản dịch cho trang của mình. Nó không chỉ hữu ích cho những người khiếm thính mà còn rất nhiều người thích chúng ở dạng video vì chúng cho phép người đọc xử lý thông tin chậm rãi hơn.
Đối với các video dài hoặc chứa nhiều thông tin, bạn nên chia sẻ bản dịch theo dạng mặc định. Thêm chúng dưới dạng link trong nhận xét hoặc tiểu sử của bạn và sẵn sàng gửi bản dịch cho bất kỳ ai yêu cầu chúng. Điều này cũng áp dụng được cho podcast.
# 4: Làm cho Link có thể truy cập được
Mọi nhà quản lý truyền thông xã hội giỏi đều biết rằng điều bạn cần làm cho các trang MXH của mình chính là cố gắng thúc đẩy người dùng nhấp chuột vào các link. Mặc dù chúng ta đều biết rằng các link trên mạng xã hội thường ít được quan tâm hơn là các bài post, hình ảnh hoặc video dí dỏm, nhưng chúng vẫn rất cần thiết. Và khả năng tiếp cận cũng áp dụng cho các link.
Có ba câu hỏi quan trọng mà bạn cần phải hết sức lưu ý khi chia sẻ một link trên mạng xã hội:
- Link có rõ ràng không?
- Link đó đi đến đâu?
- Link có dẫn đến một website có thể truy cập được không?
Để làm cho link rõ ràng, bạn nên có những chỉ dẫn thật rõ ràng. Các cụm từ như “nhấp vào đây” và “đọc thêm” sẽ giúp người dùng phát hiện ra khi nào một link xuất hiện. Bạn cũng nên mô tả link dùng để làm gì và đặt nó vào một ngữ cảnh cụ thể.
Hình 11: Các đường link liên kết cần phải rõ ràng và có thể truy cập được
So sánh hai ví dụ sau:
Trong bài post trên LinkedIn ở bên trái, không rõ tại sao đột nhiên có một link trong văn bản. Không có đăng ký và nó có thể dẫn đến bất cứ đâu. Nhưng trong ví dụ bên phải, bạn thấy rõ link đã được đăng ký, nó cung cấp một số ngữ cảnh và sử dụng một URL tùy chỉnh. Không có chuỗi số hoặc ký tự kỳ lạ khó hiểu.
URL tùy chỉnh rất đáng để tin cậy vì bạn có thể làm cho chúng mô tả chính xác những gì link sẽ làm. Ngoài khả năng truy cập, nó còn trông chuyên nghiệp và tạo niềm tin vững chắc với độc giả.
Bất cứ nơi nào link dẫn đến, website đó cũng phải có thể truy cập được. Nếu bạn không biết liệu website của mình có thể truy cập được hay không, hãy thử tải xuống ứng dụng trình đọc màn hình và dành vài phút để tìm hiểu về nó.
Có rất nhiều tùy chọn cho máy tính để bàn. Trình đọc màn hình di động phổ biến nhất là Google TalkBack cho Android và VoiceOver cho iPhone, được tích hợp vào hệ điều hành. Cần một chút thời gian để trở nên thành thạo với trình đọc màn hình nhưng bạn sẽ thấy được sự hữu ích của nó ngay nếu website của bạn không thể sử dụng được.
Kết luận
Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm tìm hiểu về khả năng tiếp cận và sửa chữa nó nếu như có sai sót. Hy vọng bạn đã có thể tìm thấy một số ý tưởng trong bài viết này và nó sẽ giúp cho bạn tạo nội dung dễ tiếp cận hơn. Hãy nhớ rằng, bạn không cần phải trở thành một chuyên gia tức thì; bạn chỉ cần cố gắng nỗ lực để học hỏi và ứng dụng. Và nó chắc chắn sẽ giúp cho lượng người theo dõi của bạn tăng lên.