Nên đầu tư vào kỹ năng chuyên môn hay kỹ năng mềm trong công việc
15/09/2021 - Vy Hoang Cong Nhut
Xác định kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm
Kỹ năng chuyên môn là về kiến thức được đào tạo cụ thể chuyên nghiệp trong một ngành nghề nhất định, kỹ năng mềm là khả năng kết nối với mọi người xung quanh như lắng nghe, đồng cảm, giao tiếp, lãnh đạo, v.v. Dưới đây là vài ví dụ về 2 loại kỹ năng này.
Hình 1: Ví dụ về kỹ năng cứng và mềm (Indeed Career)
Kỹ năng chuyên môn thường được đào tạo qua các khóa học, kinh nghiệm làm việc trong cách lĩnh vực như coding, tối ưu hóa SEO, v.v. Kỹ năng mềm thường được tích lũy khi tương tác với mọi người qua việc lắng nghe, thể hiện sự đồng cảm với người khác, v.v. Tóm lại, kỹ năng chuyên môn hầu như cần được đào tạo, kỹ năng mềm là từ trải nghiệm và bối cảnh sinh sống của bản thân.
Kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm trong tuyển dụng
Khi tuyển dụng, các doanh nghiệp thường liệt kê ra những kiến thức kỹ năng phải có như kinh nghiệm, khả năng sử dụng phần mềm/công cụ, quản lý dự án,... khá thiên về kỹ năng chuyên môn. Nhưng liệu đây có còn là cách tuyển dụng phù hợp?
Tất nhiên, ta cũng không thể bác bỏ tầm quan trọng của kỹ năng chuyên môn, người có 5 năm kinh nghiệm SEO sẽ dễ dàng làm việc hơn là chỉ có kỹ năng mềm tốt. Trong quá trình tuyển dụng và chọn lựa nhân tài, sẽ khách quan hơn nếu căn cứ vào kỹ năng chuyên môn vì đánh giá kỹ năng mềm khá là chủ quan và khó định luận.
Vì vậy, tập trung vào kỹ năng chuyên môn trong tuyển dụng là không hề sai. Nhưng những dẫn chứng dưới đây chứng tỏ quan niệm này đang dần thay đổi.
Kỹ năng mềm đang dần quan trọng hơn
Dù kỹ năng mềm khá khó để đánh giá, nhưng Báo cáo Xu hướng Nhân tài Toàn cầu của LinkedIn cho biết 92% các chuyên gia về tuyển dụng nhân sự nói rằng kỹ năng mềm cũng quan trọng ngang ngửa kỹ năng chuyên môn, 89% cho biết một lần tuyển dụng thành công hay không phần lớn là do kỹ năng mềm.
Đồng thời, một bài viết về kỹ năng mềm của Wonderlic phát hiện có 93% các leader khi tuyển dụng cho là kỹ năng mềm rất cần thiết để ra quyết định tuyển dụng. Theo một khảo sát khác về tuyển dụng từ SHRM, có 84% người đã đi làm cảm thấy mình thiếu rất nhiều kỹ năng mềm, đặc biệt là tư duy phản biện và sáng tạo. Điều này sẽ càng trầm trọng hơn khi các kỹ thuật tự động hóa xuất hiện trong xã hội công nghiệp hóa hiện nay. Bởi vì Covid, một số ngành sẽ tăng cường tự động hóa và giảm thiểu gánh nặng chi phí nhân sự khổng lồ ở nhiều công ty.
Trong đó, kỹ năng chuyên môn sẽ dễ bị tự động hóa nhất. Trên thực tế, các phương pháp tiếp cận tự động hóa hiện nay không thể bắt chước hoàn toàn các kỹ năng mềm. Vậy kỹ năng nào cần được đầu tư hơn? Cách vẹn toàn nhất lúc này là kết hợp giữa những kỹ năng chuyên môn cao của thị trường ngách và bồi dưỡng các kỹ năng mềm cần thiết cho lộ trình phát triển sự nghiệp.
Kỹ năng chuyên môn nào thị trường đang cần ?
Vì sự ảnh hưởng của Covid, nhiều nghiên cứu và khảo sát tuyển dụng đã dự đoán rằng tự động hóa từ xa trong ngành bán lẻ, e-commerce sẽ ngày càng phát triển hơn. Trước bối cảnh như vậy, ta nên bồi dưỡng kỹ năng mềm và chuyên môn gì? Cuối năm 2019, LinkedIn đã đưa ra top các kỹ năng chuyên môn mà doanh nghiệp mong muốn:
- Blockchain
- Cloud computing
- Lý luận phân tích
- Trí tuệ nhân tạo
- UX design
- Business analytics
- Affiliate marketing
- Sales
- Khoa học máy tính
- Sản xuất video
Các kỹ năng trong danh sách này có giá trị tham khảo cao và dễ dàng tìm thấy ở khắp các trang tin tuyển dụng. Đặc biệt, sự kết hợp của mảng Trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh khai phá big data thông qua công nghệ và phân bổ dữ liệu để đưa ra quyết định kinh doanh tốt hơn. Vậy để phát triển những kỹ năng trên, bạn cần học gì?
Blockchain: Khóa học trực tuyến sáu tuần của MIT Sloan School of Business
Cloud computing: Đại học Stanford và Khóa quản lý tổng thể cloud và an ninh mạng.
Lý luận phân tích: Khóa học chuyên sâu về phân tích lý luận của Khan Academy.
AI: Khóa AI cơ bản của Đại học California-Berkeley hoặc của Đại học Northwestern .
Thiết kế UX: Khóa online 24 tuần về UX design của Đại học Rice.
Business analytics: Khóa của ĐH Boston và của Wharton Executive Education có cấp chứng chỉ về Phân tích dữ liệu.
Affiliate marketing: Nền tảng Google, Youtube là một phần quan trọng trong AM nên bạn có thể tìm thấy nhiều tài liệu học AM dễ dàng, có thể tham khảo tại đây.
Sales: Lĩnh vực Sales đã quá phổ biến với nhiều khóa học, sách dạy bán hàng, v.v. được đào tạo ở nhiều tổ chức. Tại LinkedIn Learning cũng có nhiều khóa Sales để bạn tìm học.
Khoa học máy tính: Khóa học lập trình của Viện công nghệ Califonia.
Sản xuất video: MediaTech và khóa sản xuất video hay khóa của LinkedIn về quay và chỉnh sửa video.
Đây là một số nguồn giúp bạn bắt đầu phát triển những kỹ năng chuyên môn trên. Nhưng kỹ năng cứng có thể trau dồi nhờ hợc tập và rèn luyện, kỹ năng mềm sẽ phức tạp và cần rèn luyện lâu dài hơn nhiều.
Kỹ năng mềm cần thiết khi tuyển dụng?
- Sáng tạo
- Sự hợp tác
- Khả năng thích ứng
- Đồng cảm
- Lắng nghe
- Kỹ năng giao tiếp tổng thể
- EQ
- Sáng tạo
- Khoan dung/cởi mở
- Sự tỉ mỉ
- Kỹ năng giải quyết vấn đề
- Thái độ tích cực
Như đã đề cập, những điều trên rất khó để đánh giá khi tuyển dụng. Tuy nhiên trong khi tuyển dụng người có kỹ năng mềm tốt, doanh nghiệp có thể dựa vào tiêu chuẩn tuyển dụng về kỹ năng mềm của mình để đưa ra các tình huống nhỏ và phán đoán mức độ đáp ứng của ứng viên. Cùng xem ví dụ tình huống về kỹ năng đồng cảm với trong công việc dưới đây.
Mô phỏng tuyển dụng các kỹ năng mềm
Trong Hội nghị thượng đỉnh của các CTO công nghệ, lời khuyên quan trọng được đúc kết khi tuyển dụng vòng loại sơ bộ về kỹ năng mềm như sau:
“Vai trò của thành viên trong công ty khá quan trọng khi phỏng vấn. Hãy để ứng viên ngồi 1:1 với nhóm kỹ thuật và bắt đầu giao tiếp, trao đổi với nhau. Đây là cách tái hiện những tình huống cụ thể trong công việc và kiểm tra kỹ năng mềm khá hiệu quả. Tuy việc sử dụng thời gian của nhân viên như vậy khá lãng phí, nhưng càng sai lầm hơn nếu tuyển một người không thể giao tiếp tự nhiên trong công việc. Lâu dần, nhân viên sẽ cảm thấy quen với việc này và chấp nhận tham gia hơn”
Phần quan trọng của luận điểm trên có lẽ là “khá lãng phí, nhưng càng sai lầm hơn nếu tuyển một người không thể giao tiếp tự nhiên trong công việc”
Vậy nên việc tuyển dụng dựa vào kỹ năng chuyên môn hay kỹ năng mềm nhiều hơn tùy thuộc khá nhiều vào vị trí tuyển dụng. Nếu doanh nghiệp cần một leader quản lý, người đó rõ ràng cần có kỹ năng chuyên môn cốt lõi, kinh nghiệm quản lý, v.v. Nhưng nếu thiếu kỹ năng mềm để xử lý công việc, họ có thể là “con sâu làm rầu nồi canh” trong team. Chốt lại, cần tuyển dụng người có cả nền tảng kỹ năng chuyên môn tốt, nhưng không thể thiếu kỹ năng mềm.
Thật khó để đánh giá kỹ năng mềm của một người, đặc biệt là trong những cuộc phỏng vấn dài, thực hiện bằng video call hiện nay. Nhưng hãy thử đặt ra các tình huống, kịch bản để xem phản ứng cụ thể của họ: trạng thái làm việc tốt nhất, khó khăn trong công việc, v.v. Cân nhắc trong các tình huống nhỏ nhặt như: đi làm muộn, sản phẩm kém chất lượng, tăng ca, tang sự trong gia đình, v.v. Việc này có vẻ tốn thời gian nhưng sẽ đặc biệt quan trọng với vị trí làm việc giao tiếp nhiều.
Tập trung quá mức vào kỹ năng chuyên môn sẽ giúp bạn có năng lực về kỹ thuật nhưng không phải là một leader giỏi, mối quan hệ bất hảo giữa các thành viên cũng không thể bù đắp chỉ bằng năng lực xuất chúng.
Một nghiên cứu tình huống nhỏ về kỹ năng mềm: Sự đồng cảm
Đồng cảm là một trong những kỹ năng mềm được yêu thích nhất vì phần lớn công việc đều cần teamwork, mỗi người mỗi vai trò, trách nhiệm riêng trong dự án với phong cách làm việc riêng. Nếu thiếu đi sự đồng cảm, mối quan hệ hợp tác làm việc có thể không mấy thuận lợi. Nên để rèn luyện kỹ năng này, những người thiếu sự đồng cảm có thể học làm việc theo nhóm và cộng tác nhiều để mở đường thăng tiến tốt hơn trong sự nghiệp.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bạn biết sự đồng cảm là kỹ năng cần rèn luyện, thì việc bắt tay vào rèn luyện nó cũng khá dễ dàng. Nhưng nếu bạn đang ở cấp cao hơn trong công ty, học cách đồng cảm có hơi khó hơn một chút với các hoạt động, công việc diễn ra trong cuộc sống thường ngày.
Một nghiên cứu khác lập luận ngược lại rằng sự đồng cảm không thể được đào tạo:
“Điều làm cho sự đồng cảm trở nên độc đáo là nó đến với con người một cách gián tiếp, không phải sinh ra đã có. Khi sự đồng cảm xuất hiện trong bản thân, ta mơ hồ cảm nhận được nó, không phải cố ý làm nó xảy ra. Đồng thời, các tính cách thúc đẩy thái độ và hành vi như tự nhận thức, quan tâm tích cực, lắng nghe và sự tự tin thường thấy ở bác sĩ giúp phát triển sự đồng cảm rất tốt”
Tóm lại trích dẫn trên, tuy không thể chủ động rèn luyện sự động cảm, nhưng thông qua những yếu tố như nhận thức về bản thân (ví dụ: viết nhật ký), quan tâm tích cực đến mọi người (nói 3 điều tốt đẹp mỗi ngày với đồng nghiệp), lắng nghe tốt (tôn trọng cách nghĩ của đồng nghiệp và thảo luận lịch sự), sự tự tin (biết ơn và viết những điều tích cực về bản thân hằng ngày).
Mặt khác, thang đo sự đồng cảm của Jefferson cho thấy sự đồng cảm là một phần của nhận thức, không phải là một đặc điểm tính cách nên có thể được đào tạo. Helen Riess đã nhấn mạnh khái niệm này trong một bài TED Talk về sức mạnh của sự đồng cảm.
Vậy nên bất cứ kỹ năng mềm nào cũng có thể được phát triển, vấn đề là các bước, hành động thế nào để trau dồi khi giao tiếp. Hãy thử viết ra hành động của mình khi trò chuyện, thực hành trước, ghi chú khi thảo luận, trình bày vài dự định/mục tiêu nhỏ của bản thân với mọi người, v.v.
Kỹ năng mềm là một khía cạnh quan trọng trong phát triển sự nghiệp. Nhưng để thực sự làm chủ lộ trình sự nghiệp của mình, bạn cần tập trung nhiều vào kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm tích lũy. Đây chỉ là suy nghĩ của nhiều nhà tuyển dụng và sẽ không thay đổi nhiều trong tương lai gần.
Với tư cách là ứng viên tìm việc, kỹ năng chuyên môn sẽ giúp có được công việc, kỹ năng mềm giúp phát triển hơn trong công việc.
Tuy nhiên, một người đang đi làm cần phát triển kỹ năng chuyên môn hơn, học những kỹ năng mới và liên tục rèn luyện các kỹ năng mềm để khiến bạn trở thành ứng viên cho vai trò quản lý với trách nhiệm cao hơn.
Sự tác động của Covid
Như đã đề cập, Covid có ảnh hưởng đến chiến lược tự động hóa và cắt giảm chi phí ở một số ngành trong tương lai tới. Đồng thời, tự động hóa các công việc chuyên môn sẽ dễ dàng hơn. Nếu bạn làm trong ngành có tính chuyên môn hóa lặp đi lặp lại - có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc thì cách để duy trì công việc của mình là nhận được sự công nhận từ sếp hoặc sở hữu kỹ năng mềm tốt, được đồng nghiệp đánh giá cao. Điều này giúp bạn vững bước và tiếp nhận những vai trò lớn hơn trong doanh nghiệp.
Vậy nên trong trạng thái bình thường mới của xã hội, vai trò của kỹ năng mềm quan trọng hơn rất nhiều đối với phát triển sự nghiệp của bản thân.
Trên đây là những phân tích về vai trò của kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm trong thời đại mới mà MangoAds tổng hợp được. Hy vọng sẽ giúp bạn định hình tốt hơn khi ra quyết định quy hoạch lộ trình sự nghiệp của mình!