Làm thế nào để trở thành một chuyên gia SEO?

24/02/2021 - Vy Hoang Cong Nhut

SEO là nghệ thuật tối ưu hóa nội dung để website của bạn đạt thứ hạng cao hơn trên kết quả của công cụ tìm kiếm. Một khi có thứ hạng cao hơn, website sẽ mang về nhiều lượt truy cập và tạo cơ hội bán được nhiều sản phẩm hơn.

Tối ưu SEO là một phần quan trọng của content marketing hiện đại. Nắm vững kiến ​​thức về SEO giúp chiến dịch marketing đạt hiệu quả tốt hơn. Theo nghiên cứu, 93% tất cả các hoạt động trực tuyến đều bắt đầu bằng công cụ tìm kiếm. Điều đáng nói hơn nữa là 75% những người tìm kiếm trên Internet chỉ click kết quả của trang đầu tiên. Vì vậy, SEO rất quan trọng nếu bạn muốn doanh nghiệp của mình hiện diện trên trang đầu tiên.

Ngoài ra, SEO còn trở thành công cụ giúp xây dựng thương hiệu hiệu quả. Đây được xem là một lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng trong digital marketing. Theo báo cáo gần đây của State of Content Marketing Report, 44% chuyên gia content marketing được khảo sát nói rằng việc cải thiện nội dung chuẩn SEO là một trong những thách thức hàng đầu của công ty họ. Ngoài ra, 67% cho rằng SEO là chiến thuật tốt nhất để cải thiện hiệu suất nội dung. Và 73% chuyên gia content marketing sử dụng các công cụ SEO thường xuyên để thúc đẩy các nỗ lực hoàn thiện nội dung của họ.

Vì vậy, bước sang năm 2021, nhu cầu nhân sự giỏi về kỹ năng SEO thực sự đang tăng cao trên thị trường. Nhưng bạn học những kỹ năng này như thế nào? 8 bước hướng dẫn dưới đây sẽ đưa bạn đến con đường trở thành chuyên gia SEO.

Công cụ Tìm kiếm hoạt động ra sao?

Mọi người sử dụng công cụ tìm kiếm để tra cứu các câu hỏi và thuật ngữ. Ví dụ bạn đang tìm: "Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam?", "quần Uniqlo" hay "lũ lụt miền Trung". Trong vòng tích tắc, bạn sẽ có ngay đáp án. Tuy nhiên, kết quả tìm kiếm thường sẽ hướng bạn đến hàng trăm, hàng ngàn các website liên quan đến từ khoá bạn đã nhập vào ô tìm kiếm. Vậy quy trình hoạt động của công cụ tìm kiếm ra sao?

Công cụ tìm kiếm thực hiện ba chức năng chính :

  • Thu thập thông tin (crawl): Công cụ tìm kiếm sử dụng trình thu thập dữ liệu website (thường được gọi là bot hoặc spider) - để đọc nội dung trên hàng tỷ website khác.
  • Lập chỉ mục (index): Các bot này sau khi thu thập sẽ sắp xếp nội dung được phát hiện trong quá trình thu thập thông tin trong cơ sở dữ liệu. Sau khi được lập chỉ mục, các website này có thể được truy xuất trong quá trình tìm kiếm trên internet của người dùng.
  • Xếp hạng: Mỗi trang sau khi index sẽ được đánh giá để xếp hạng dựa trên chất lượng nội dung, và mức độ liên quan với từng tìm kiếm của người dùng. Ví dụ: nếu bạn sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và tìm kiếm "các hiệu sách lớn", kết quả sẽ hiển thị các cửa hàng lân cận ở TP.HCM thay vì các cửa hàng ở các khu vực khác.

Các thuật toán tìm kiếm của Google xem xét nhiều yếu tố khác nhau để trả kết quả cho người dùng nhanh nhất có thể. Hệ thống xếp hạng phải đánh giá hàng trăm tỷ website trong vòng mili giây để cung cấp cho người tìm kiếm thông tin phù hợp nhất.

Khi người dùng nhập từ khóa vào thanh công cụ tìm kiếm, hệ thống của Google xem xét kỹ các từ được sử dụng, trật tự từ và cách đánh vần,... để xác định kết quả phù hợp nhất. Chẳng hạn, kết quả trả về cho cụm từ "mua xe đạp ở đâu" sẽ khác với những nội dung liên quan đến từ khoá "cách đi xe đạp". Các thuật toán của Google biết cách phân biệt sự khác nhau của 2 cụm từ tìm kiếm kể trên, dù đều có liên quan xe đạp. Google cũng xem xét các từ khóa đã từng được sử dụng trước đây của người dùng, để xác định mục đích tìm kiếm và lùng sục các website khác tìm những từ này trên các trang được lập chỉ mục.

Các thuật toán tìm kiếm cũng xếp hạng chất lượng website được lập chỉ mục trước khi trả về kết quả tìm kiếm cho người truy vấn. Hệ thống của Google được thiết kế để nhận ra thông tin của chuyên gia và các trang uy tín về các chủ đề chia sẻ. Google cũng theo dõi các website được truy cập bởi những người khác khi thực hiện các từ khoá tương tự. Mục tiêu là xếp hạng hiển thị cao cho các website đáng tin cậy nhất.

Trải nghiệm người dùng (UX) trên trang tốt cũng đóng vai trò trong việc xếp hạng. Nếu website khó đọc hoặc khó điều hướng, cho dù nội dung chất lượng cũng sẽ không đạt thứ hạng tốt.

Phát triển các kỹ năng cốt lõi

Để trở thành một chuyên gia SEO, bạn sẽ cần phát triển một số kỹ năng cốt lõi để đạt được thành công trong lĩnh vực này. Khi bạn tìm hiểu các công cụ, thì đây là một số kỹ năng không thể thiếu:

  • Nghiên cứu từ khóa: Bạn có thể đoán một số cụm từ tìm kiếm mà mọi người sử dụng về các chủ đề khác nhau. Tuy nhiên, việc nghiên cứu từ khóa là rất quan trọng, bạn có thể xác định những từ mọi người đang tìm kiếm thay vì phỏng đoán. Sau đó, bạn có thể chèn những từ này vào những nội dung trên website để cải thiện thứ hạng tìm kiếm.
  • Tối ưu SEO onpage: Một số cách để thực hiện việc này như chèn từ khóa và các từ hấp dẫn vào nội dung của bạn, sử dụng metadata và các thẻ tiêu đề.
  • Các vấn đề kỹ thuật cơ bản: Không cần phải là một lập trình viên, nhưng bạn cần biết xem nguồn của website và xác định các tính năng chính (ví dụ: backlink đến website của bạn là “dofollow” hay “nofollow”).
  • Xây dựng link / tạo backlink: Xây dựng link có nghĩa là trong nội dung trên các website khác có gắn link đến các website của bạn. Những backlink này giúp website của bạn trở nên đáng tin cậy hơn, chất lượng hơn, từ đó giúp cải thiện thứ hạng SEO của bạn.
  • Content marketing: Nội dung rất quan trọng đối với SEO. Bạn cần tạo nội dung hấp dẫn trên website, thu hút mọi người chia sẻ link.
  • Kiểm tra nội dung: Hãy tiến hành đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của nội dung trên website. Điều này sẽ cho phép bạn lập một kế hoạch để cải thiện.

Ngoài ra còn có một số kỹ năng ít mang tính kỹ thuật hơn, nhưng có ích cho SEO như khả năng giao tiếp rõ ràng, nghệ thuật đàm phán, hoặc cách tìm ra điểm chung.

Ngoài ra, bạn phải chuẩn bị kế hoạch điều chỉnh SEO khi cần. Chẳng hạn như, làm thế nào để nhận ra khi nào khách hàng tiềm năng không phù hợp với bạn, hoặc phải làm gì khi nỗ lực của bạn không đạt được hiệu quả.

Phân tích đối thủ cạnh tranh

Các chuyên gia SEO hàng đầu khẳng định phân tích đối thủ cạnh tranh một cách chuyên sâu và hiệu quả cũng quan trọng không kém việc viết nội dung. Từ việc nhận định đối thủ, bạn sẽ đánh giá vị trí website của mình trong bảng xếp hạng tìm kiếm, mà còn biết được vị trí của đối thủ cạnh tranh.

Phân tích đối thủ cạnh tranh sẽ cho phép bạn hiểu thị trường của mình tốt hơn. Và bằng cách xem các doanh nghiệp khác trong ngành đang thành công ở đâu, bạn có thể xác định những lỗ hổng, và điểm yếu của chính mình. Tuy nhiên, những phân tích này không chỉ đơn thuần xem xét thứ hạng tìm kiếm của đối thủ.

Một phân tích đối thủ cạnh tranh hiệu quả nên gồm ít nhất ba phần sau:

  • Xem lưu lượng truy cập của đối thủ: Sử dụng công cụ Phân tích lưu lượng truy cập, bạn có thể so sánh trực tiếp với domain của đối thủ và xem xét kỹ hơn lưu lượng truy cập của họ đến từ đâu (ví dụ: trực tiếp, được giới thiệu, quảng cáo, mạng xã hội và tìm kiếm), mỗi nguồn khách truy cập là bao nhiêu trong một tháng (gồm unique visitors).
  • Xác định mục tiêu từ khóa: Phân tích keyword gap hiệu quả sẽ giúp bạn xác định những từ khóa nào sắp đạt kết quả như mong đợi. Từ đó, bạn cũng sẽ muốn khám phá những từ khóa nào mà đối thủ của bạn đang được xếp hạng ,và bạn đang thua ở những từ khóa như thế nào. Công cụ này cho phép bạn so sánh và trực quan hóa dữ liệu từ khóa cho tối đa năm URL cạnh tranh.

Hình 1: Phân tích khoảng cách từ khóa hiệu quả

Hình 1: Phân tích khoảng cách từ khóa hiệu quả

  • Tìm nguồn hiệu quả đặt backlink: Một cách khác để có được lợi thế trong cuộc cạnh tranh là biết chỗ nào sẽ tạo được backlink hiệu quả. Sử dụng công cụ Phân tích Backlink, bạn có thể so sánh tổng số link ngược giữa năm URL khác nhau một cách chi tiết và hữu ích. Chẳng hạn như các link này có phải là dofollow hay không và các domain trỏ về website của bạn là những domain nào.

Hình 2: Công cụ phân tích backlink

Hình 2: Công cụ phân tích backlink

Tuy nhiên, để thực sự nhận được sự đóng góp của các domain khác, bạn cần hiểu cách trình bày tất cả dữ liệu này. Bắt đầu bằng cách chia nhỏ dữ liệu thành các phần cụ thể, chẳng hạn như:

  • Lượng truy cập (traffic).
  • Tình trạng index.
  • Nội dung.
  • Backlink.
  • UX / Khả năng sử dụng.
  • Tóm lược.

Từ đó, bạn sẽ muốn ưu tiên các mục cần cải thiện ngay. Ví dụ, trong phần tóm lược, bạn có thể liệt kê ra những mục nào nên được ưu tiên cao (chẳng hạn như tốc độ tải trang) để họ biết đây là điều họ muốn giải quyết trước tiên.

Thường xuyên sử dụng và trau dồi kiến ​​thức SEO

Học SEO có thể rất khó và để trở thành một chuyên gia SEO, bạn cần liên tục kiểm tra kiến ​​thức và khả năng áp dụng vào thực tế. Trong mọi trường hợp, hãy vận dụng các kỹ năng SEO để tạo ra các nội dung.

Tuy nhiên, SEO là một lĩnh vực thay đổi nhanh chóng và liên tục phát triển. Ngay cả khi bạn đã học những kiến ​​thức cơ bản, luôn có những xu hướng mới và các công cụ cần học hỏi. Dưới đây là một số cách để luôn cập nhật các thay đổi trong lĩnh vực này:

  • Tham dự hội thảo: Nhiều trường cao đẳng, đại học và các tổ chức liên quan đến ngành cung cấp các chứng chỉ và hội thảo về SEO.
  • Tham gia các hiệp hội ngành: Bằng cách tham gia các hiệp hội ngành marketing, bạn sẽ có quyền truy cập thông tin về các xu hướng SEO mới và các chiến thuật content marketing khác.
  • Đọc blog: Nhiều blog cập nhật nhanh chóng các thông tin về xu hướng SEO cho những người theo dõi.
  • Mối quan hệ trong ngành: Bằng cách nói chuyện với những người khác trong lĩnh vực của bạn, bạn có thể tìm hiểu về các phương pháp hay nhất của họ và những gì họ đang chú ý trong ngành.
  • Đăng ký nhận bản tin: Đăng ký nhận bản tin email để nhận thông tin cập nhật thường xuyên về xu hướng SEO.
  • Đọc sách: Hàng năm, bạn nên xem những cuốn sách hàng đầu về SEO để xem những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực này nói gì.

Chọn một lĩnh vực để trau dồi kiến ​​thức chuyên môn

Khi mới bắt đầu với SEO, điều quan trọng là phải có hiểu biết rộng về lĩnh vực. Đích đến cuối cùng là trở thành một chuyên gia SEO theo mô hình chữ T.

Việc nắm chắc các kỹ năng SEO cơ bản sẽ tạo ra một nền tảng rất tốt, một marketer có kỹ năng chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể cũng sẽ trở thành chuyên gia của thị trường đó.

Mô hình chữ “T.” hiểu cơ bản: Đường ngang trên đầu thể hiện kiến ​​thức rộng về SEO của bạn. Còn hàng dọc của chữ T là chiều sâu kiến ​​thức của bạn trong một lĩnh vực chuyên môn. Bằng cách xây dựng một thị trường ngách cho riêng mình, và tạo dựng danh tiếng như một chuyên gia trong một chủ đề cụ thể - ngoài các kỹ năng SEO chung của bạn - bạn sẽ làm cho mình có giá trị hơn.

Hình 3: Trao dồi kiến thức về marketing của bạn theo hình chữ T (Nguồn: DigitalMarketer)

Hình 3: Trao dồi kiến thức về marketing của bạn theo hình chữ T (Nguồn: DigitalMarketer)

Dưới đây là một số kỹ năng SEO cụ thể để xây dựng chuyên môn:

  • Xây dựng link: Thu hút backlink chất lượng cho website của mình.
  • Kỹ thuật SEO: Sơ đồ website XML, tốc độ từng trang / toàn website và hệ thống phân cấp website.
  • Nội dung on-site: Chèn các từ khóa phổ biến, có lượng tìm kiếm cao vào nội dung on-site 
  • Mạng xã hội: Áp dụng SEO trong các bài post và quảng cáo trên social media có thể tăng thứ hạng của website trên công cụ tìm kiếm và từ đó tăng lượng truy cập.
  • Thương mại điện tử: Trong trường hợp này, SEO được sử dụng đặc biệt để thúc đẩy doanh số bán hàng trên các website thương mại điện tử.
  • Dữ liệu và phân tích: Việc thu thập nhiều dữ liệu có ích gì nếu bạn không biết phải làm gì với nó? Vì vậy, bạn phải hiểu các báo cáo SEO để đưa ra các phương án tối ưu hiệu quả.
  • Email Marketing: Các email bạn gửi cho khách hàng và cách bạn viết chúng có thể cải thiện kết quả SEO của bạn.

Hiểu và hoàn thiện cách theo dõi hiệu suất SEO

Là một chuyên gia SEO, thành công của bạn phụ thuộc vào khả năng tính toán và phân tích hiệu suất SEO. Bằng cách theo dõi và xem xét thứ hạng, lượng truy cập website và chuyển đổi, bạn có thể xác định hiệu suất của website so với đối thủ cạnh tranh.

Đánh giá các số liệu sẽ cho phép bạn cải thiện thứ hạng trên công cụ tìm kiếm. Bạn có thể lấy thông tin thông qua các báo cáo SEO để tạo nội dung tốt hơn. Báo cáo SEO gồm những tiến bộ đã đạt được, danh sách các chiến thuật được sử dụng và tác động của chúng, cũng như bất kỳ đề xuất nào để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa.

Một số chỉ số bạn cần theo dõi bao gồm:

  • Thứ hạng từ khóa.
  • Vị trí trung bình.
  • Kết quả content marketing (các trang có hiệu suất cao nhất, các trang hàng đầu cho các backlink, v.v.)
  • Phân tích hệ thống backlink.

Bạn nên theo dõi và điều chỉnh hàng ngày các chỉ số trên trong báo cáo. Trong thời gian đầu làm việc với khách hàng là khung thời gian phù hợp để bạn nên chia sẻ những số liệu này.

Xây dựng một mạng lưới SEO mạnh

Trên Internet có rất nhiều kiến thức hữu ích và cập nhật cho việc học và cải thiện SEO. Thuật toán tìm kiếm của Google liên tục thay đổi, hãy tìm hiểu và học hỏi từ các chuyên gia SEO khác, liên tục cập nhật tin tức cũng như các chiến thuật SEO mới.

Nếu bạn đang muốn xây dựng một mạng lưới SEO mạnh, hãy cân nhắc tham gia các tổ chức liên quan đến ngành, nơi tất cả các thành viên đều có nền tảng và sở thích nghề nghiệp giống nhau. Mạng xã hội là một cách khác để phát triển mạng lưới của bạn, tham gia các nhóm trên LinkedIn hoặc theo dõi các cuộc trò chuyện trên Twitter bằng các hashtags (thẻ bắt đầu bằng #) cụ thể. Đề xuất của khách hàng cũng là những cách hữu ích để kết nối với các chuyên gia SEO và người sáng tạo nội dung khác.

Giải thích đơn giản, dễ hiểu cho khách hàng không rành SEO

Bạn có thể là chuyên gia SEO hàng đầu, nhưng không có nghĩa những điều bạn nói đều dễ hiểu với khách hàng, nhất là những người không rành SEO. Đối với những người không làm việc trong lĩnh vực SEO, SEO và quá trình tối ưu hóa là một chủ đề phức tạp và khó hiểu.

Nếu bạn thường xuyên làm việc với khách hàng trong các ngành khác, bạn sẽ cần giải thích công việc của mình và cách SEO có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp của họ. Bạn cần nắm được những điểm mạnh của SEO và chia nhỏ nó thành những mẩu thông tin dễ hiểu với tất cả mọi người.

Ngoài hiểu biết về SEO, bạn cũng cần có kỹ năng giao tiếp tốt, thân thiện. Nó có thể giúp tạo một bản trình bày dễ hiểu về chủ đề mà bạn có thể sử dụng trong các cuộc họp đầu tiên với khách hàng mới.

Kết luận

Nếu bạn muốn học cách trở thành một chuyên gia SEO, không bao giờ có thời điểm tốt hơn để tham gia vào ngành này. Lĩnh vực này đang bùng nổ và nhiều nhà marketing tập trung vào SEO như một công cụ để thành công. Điều này nhu cầu nhân sự chất lượng cao, rành SEO đang ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là bản thân người làm SEO cần phải liên tục trau dồi, học hỏi những kiến ​​thức về SEO và tích lũy một số kinh nghiệm để trở thành một chuyên gia. Xu hướng để tối ưu SEO luôn thay đổi, có nghĩa là bạn cần phải liên tục học hỏi những gì mới nhất để luôn dẫn đầu trong lĩnh vực của mình.

Ngay bây giờ, bạn phải bắt đầu từ đâu đó và học những điều cơ bản là cách hữu ích khi bạn là người mới. Theo thời gian, bạn sẽ có thể xem bất kỳ website nào, biết cách thúc đẩy nội dung hiện có, xác định điểm yếu và lập kế hoạch cải thiện thứ hạng trên công cụ tìm kiếm.