UX kết hợp SEO tạo trải nghiệm người dùng tốt nhất
17/02/2021 - Vy Hoang Cong Nhut
UX và SEO là hai khía cạnh song hành của digital marketing. Chính vì vậy, bài viết sau sẽ tập trung vào sức mạnh tổng hợp của chúng để tìm hiểu cách bạn có thể cải thiện thứ hạng của mình bằng cách "tô điểm" thêm một chút cho website của mình.
Hình 1: UX và SEO
Nếu như năm 2008, nhiệm vụ chính của SEO là nhồi nhét nội dung bài viết với các từ khóa (thường là ẩn dưới dạng văn bản trắng (white text), thực hiện trao đổi backlink qua lại và tạo các trang nội dung chất lượng thấp cho mọi biến thể từ khóa.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại (2021), các phương pháp kể trên không còn hiệu quả và còn có thể là nguyên nhân dẫn đến website bị dính án phạt của Google. Các biện pháp SEO kể trên không đem lại bất kỳ giá trị tích cực nào mà chỉ muốn đánh lừa thuật toán của công cụ tìm kiếm.
Là một SEOer, bạn không nên chỉ quan tâm về thứ hạng, mà hãy lưu ý đến trải nghiệm người dùng - User Experience (UX). Bởi trải nghiệm người dùng có tác động không nhỏ đến thứ hạng tìm kiếm.
Trải nghiệm người dùng là gì?
Trải nghiệm người dùng là mọi tương tác của người dùng với thương hiệu, website hoặc sản phẩm của họ. Đó là trải nghiệm tổng thể ảnh hưởng đến việc phát triển sản phẩm, thiết kế, tiếp thị và hỗ trợ khách hàng.
Bài viết này sẽ tập trung vào trải nghiệm người dùng “trực tuyến” và mối liên hệ của nó với SEO. UX không còn đơn giản là về đáp ứng các yêu cầu của khách hàng mà là tạo nên trải nghiệm vượt qua cả những yêu cầu này. Bạn nên suy nghĩ thấu đáo và phát triển một website đáp ứng mọi nhu cầu có thể có của khách hàng một cách tự nhiên chứ không phải làm phiền họ.
Lưu ý:
UX không phải là UI (User Interface - giao diện người dùng). Đó là một phần của nó nhưng bạn cần phân biệt được các thuật ngữ này. Hãy tưởng tượng bạn có một cửa hàng trực tuyến. Mặc dù giao diện người dùng của nó hoàn hảo trong việc giúp tìm kiếm một sản phẩm, nhưng bước “Đặt hàng và thanh toán” lại thường xuyên bị thông báo lỗi rằng sản phẩm đã hết hàng. Lỗi này có thể làm tăng tỷ lệ thoát trang và ảnh hưởng trực tiếp đến traffic cũng như doanh thu của doanh nghiệp.
Quy tắc trải nghiệm người dùng ngày nay
Trước tiên, bạn phải hiểu rằng UX là một quá trình cải tiến liên tục. Đó là một triết lý mà một doanh nghiệp nên tuân theo và phát triển website sao cho phù hợp.
Trải nghiệm website của người dùng là sự kết hợp giữa content và kỹ thuật UX. Đó là lý do tại sao bạn cần hiểu sự phức tạp và ảnh hưởng của UX đối với mọi người trong và ngoài doanh nghiệp.
Hình 2: UX bao gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan
Những thách thức về UX và SEO
Không phải tất cả những điều được đề cập ở trên đều kết nối trực tiếp với SEO. Hãy cùng bài viết tìm hiểu xem những điều nào trong số chúng có khả năng này.
Cấu trúc và điều hướng website
Khách truy cập sẽ đến từ tìm kiếm tự nhiên, truy cập trang trực tiếp dựa hoặc được giới thiệu từ nhiều nguồn như mạng xã xã hội, blog hoặc các chiến dịch PPC.
Vì thế, hãy đặt mọi thứ trên một trang để đảm bảo trải nghiệm mượt mà. Trải nghiệm càng tốt thì lượng truy cập tự nhiên càng nhiều.
Tốc độ tải trang
Website của bạn tải càng nhanh thì trải nghiệm người dùng càng tốt. Hiện nay, tốc độ tải của trang là một trong những yếu tố xếp hạng. Đây có lẽ là một sự liên kết chặt chẽ giữa UX và SEO.
Tối ưu hóa nội dung
Hãy cố gắng hiểu mục đích của người tìm kiếm sản phẩm và giọng văn đại diện cho thương hiệu nhằm điều chỉnh content của bạn sao cho phù hợp. Để làm được điều này, bạn cần nghiên cứu từ khóa và tối ưu hóa nội dung.
Content của bạn không chỉ cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu mà còn là lời giải đáp cho thắc mắc của người dùng. Điều này đồng nghĩa với nội dung bài viết luôn phải nắm bắt được ý định tìm kiếm của khách hàng tiềm năng.
Thẻ tiêu đề và mô tả meta
Website có thứ hạng trong trang kết quả tìm kiếm càng cao sẽ thu hút lượt truy cập càng nhiều. Tuy nhiên, lỗi ở thẻ tiêu đề và mô tả meta đều ảnh hưởng đến thứ hạng website trên SERPS. Nội dung trên thẻ tiêu đề hay mô tả phải khuyến khích người tìm kiếm nhấp vào website trên SERPS.
Có 3 yếu tố chính cần xem xét khi tạo thẻ tiêu đề và mô tả meta:
- SEO - Sử dụng các từ khóa phù hợp để trình thu thập thông tin có thể hiểu website nói về nội dung gì và content nào quan trọng nhất.
- UX - Cung cấp cho người tìm kiếm thông tin rõ ràng, có ý nghĩa thúc đẩy họ nhấp vào vì họ sẽ tìm thấy những gì họ đang tìm kiếm trong trang.
- Marketing - Bản quảng cáo hấp dẫn có kèm CTA (lời kêu gọi hành động) rõ ràng dẫn đến CTR (tỷ lệ nhấp) cao hơn.
Làm sao để đo lường UX và SEO?
Từ Google Analytics thông qua các báo cáo chuyên biệt cho đến dữ liệu nội bộ, có rất nhiều lựa chọn cho bạn.
Các chỉ số về mức độ tương tác và hành vi trong Google Analytics
“Bounce rate - Tỷ lệ thoát”, “Pages per session - Số trang mỗi phiên” và “Avg. session duration - Thời lượng phiên trung bình” đưa ra cái nhìn cơ bản về mức độ tương tác của người dùng.
Hình 3: Các chỉ số về mức độ tương tác trong "Behavior - Hành vi" của Google Analytics
Thông tin chi tiết hơn có sẵn trong danh mục “Behavior”. “Behavior flow - Luồng hành vi” cho bạn biết cách khách truy cập tương tác với các phần khác nhau của website. Các tùy chọn nâng cao cho phép bạn xem các báo cáo dựa trên nguồn truy cập, trang đích, chiến dịch...
Mặc dù báo cáo thường dựa trên một tỷ lệ nhỏ khách truy cập website, nhưng sẽ cho bạn biết có bao nhiêu người dùng đã xem qua hoặc bỏ qua khi truy cập vào phần cụ thể đó.
Hình 4: Báo cáo luồng hành vi trong Google Analytics
Các phễu chuyển đổi trong Google Analytics
Báo cáo này cho bạn biết cách mọi người tương tác với trang thanh toán (checkout) trên website. Nhờ đó, bạn sẽ xem xét phễu chuyển đổi đã hợp lý hay chưa, quy trình thanh toán có thừa hay thiếu bước nào không? Vì thế, hãy thiết lập “Goal tracking - theo dõi mục tiêu” trong admin menu.
Hình 5: Thiết lập phễu trong Google Analytics
Bằng cách này, bạn sẽ đo lường có bao nhiêu người đã trải qua tất cả các bước và bao nhiêu người bỏ dở trong suốt quá trình. Phễu chuyển đổi có thể là một biểu mẫu đăng ký, quy trình mua hàng hoặc biểu mẫu đăng ký theo dõi trên blog. Đây chỉ là một thông tin cực kỳ hữu ích khác để tối ưu hóa UX.
Hình 6: Báo cáo phễu chuyển đổi trong Google Analytics
Bản đồ nhiệt & bản ghi
Bản đồ nhiệt trực quan hóa hành vi của khách truy cập website đồng thời cung cấp nhiều báo cáo hữu ích. Các công cụ bản đồ nhiệt phức tạp như Hotjar hoặc Crazyegg đi kèm với các giải pháp phân tích nhưng thường quá đắt đối với các blogger hoặc doanh nghiệp nhỏ. Đối với người mới bắt đầu, gói miễn phí có giới hạn của Hotjar hoặc Ptengine có thể là một sự lựa chọn tốt.
Hình 7: Bản đồ nhiệt của Hotjar
Bản đồ nhiệt giúp ích rất nhiều cho cả UX và SEO. Ưu điểm của bản đồ nhiệt nằm ở khả năng xem chính xác nơi mọi người nhấp vào, những yếu tố có thể nhấp được, cách họ cuộn, tương tác và điền vào biểu mẫu.
Tuy nhiên, các công cụ bản đồ nhiệt chi tiết bao gồm các bản ghi lại hành vi của người dùng không phải đều phù hợp và cần thiết với mọi doanh nghiệp. Chỉ những doanh nghiệp sở hữu trang web quy mô lớn (có ngân sách lớn hơn) nên sử dụng bản đồ nhiệt chi tiết (ví dụ trang thương mại điện tử). Còn với những website nhỏ hoặc blog chỉ cần phiên bản miễn phí của công cụ này.
Dữ liệu nội bộ
Sử dụng dữ liệu nội bộ sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí. Dựa trên các loại dữ liệu này, SEOers có thể tọa các báo cáo này kèm theo thông tin hữu ích:
- Câu hỏi của khách hàng
- Biểu mẫu phản hồi (feedback)
- Nhận xét
- Mong muốn và khiếu nại của khách hàng
- Báo cáo marketing
- Phản hồi qua email
- Báo cáo từ các web developer
Kiểm tra website và tốc độ website
Kiểm tra website trước khi chính thức vận hành là điều bắt buộc! Các tester là những người dùng thực đầu tiên. Trên hết, bạn có thể thực hiện một số thử nghiệm tính khả dụng với đồng nghiệp, bạn bè hoặc khách hàng thân thiết của mình trong quá trình phát triển như tốc độ trang, tối ưu hóa thiết bị di động và các khía cạnh on-page SEO quan trọng khác.
Kết luận
SEO là một ngành đang phát triển và có hàng ngàn tài nguyên mà bạn có thể tìm tòi học hỏi. Hy vọng hướng dẫn toàn tập về sự hòa hợp giữa UX và SEO này đã phần nào giúp ích được cho bạn.