Tại sao Bounce rate cao chưa hẳn là xấu?
22/02/2021 - Vy Hoang Cong Nhut
Trong Digital marketing, tỷ lệ thoát (bounce rate) được cho là một trong những chỉ số KPI quan trọng nhất (Key Performance Indicator - Chỉ số Hiệu suất Chính) khi đo lường hiệu suất của website hoặc trang đích (landing page). Vậy cụ thể thì tỷ lệ thoát là gì và làm sao để đo lường chỉ số này? Hãy cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.
Tỷ lệ thoát là gì?
Theo Google Analytics - “tỷ lệ thoát là phần trăm số phiên (sessions) truy cập duy nhất trên một trang trên tổng số lượt truy cập web. Nói một cách đơn giản thì tỷ lệ thoát chính là số liệu hiển thị phần trăm khách truy cập trang của bạn nhưng rời đi ngay mà không nhấn vào bất kỳ nội dung nào khác, như nhấp vào link hoặc điền vào các biểu mẫu hoặc đặt hàng … và sau đó kết thúc phiên truy cập đó.
Làm thế nào để đo lường tỷ lệ thoát?
Với Google Analytics hay bất kỳ công cụ báo cáo nào khác, sẽ tính toán sẵn tỷ lệ thoát cho bạn. Công thức tính toán tỷ lệ thoát khá đơn giản - nó được tính bằng cách chia tổng số lượt truy cập của một trang duy nhất (ví dụ: chỉ truy cập mỗi trang đích của bạn) cho tổng số lượt truy cập trong một thời gian cần thiết tối thiểu nhất định.
Hình 1: Công thức tính Bounce Rate (Nguồn: Kissmetrics)
Do đó, nếu trang đích của bạn có 50 người dùng thoát (bounce) mà không có tương tác thêm với website của bạn trên tổng cộng 100 lượng khách truy cập, thì tỷ lệ thoát của bạn là 50%.
Dưới đây là những yếu tố được tính là một lượt thoát (bounce):
- Click vào một link đến một website khác hoặc click vào một quảng cáo
- Quay lại trang trước bằng cách click vào mũi tên quay lại
- Đóng trình duyệt hoặc tab
- Nhập một URL mới và enter
- Hết thời gian chờ của phiên (không có hành động nào diễn ra trong vòng 30 phút).
Với Google Analytics, sẽ giúp bạn phân tích tỷ lệ thoát chính xác. Khi bạn thiết lập điểm chuẩn (benchmarking) trong tài khoản Google Analytics, công cụ sẽ cho bạn biết điểm trung bình trong ngành. Do đó, dựa vào đó bạn sẽ có thể hình dung rõ hơn về hiệu suất của website của mình, so sánh dữ liệu của mình với dữ liệu ngành tổng hợp từ các công ty khác. Từ đó, giúp bạn đặt ra các mục tiêu, hiểu rõ về xu hướng đang diễn ra trong toàn ngành để có hướng hoạt động tốt nhất.
Hơn nữa, tỷ lệ thoát trên toàn bộ website quá rộng nên để phân tích đúng tỷ lệ thoát, bạn cần phân nhóm từng dữ liệu. Ví dụ: trong Google Analytics, bạn có thể phân đoạn theo:
- Tuổi tác
- Giới tính
- Vị trí
- Khách truy cập mới và khách truy cập quay trở lại
- Trình duyệt
- Thiết bị
- Loại website
- Các kênh (tìm kiếm có trả tiền / Facebook, v.v.)
Tỷ lệ thoát thấp liệu có phải là dấu hiệu tốt?
Thông thường tỷ lệ thoát phải càng thấp càng tốt. Theo Kissmetrics, tỷ lệ thoát website trung bình là 40%. Tuy nhiên, bạn cũng nên xem xét các yếu tố như thiết kế trải nghiệm khách hàng (UX), loại website hoặc ngành của mình.
Thiết kế trải nghiệm khách hàng
Cho dù website của bạn có chức năng gì, thì nó phải được thiết kế trải nghiệm khách hàng tốt nhất, chẳng hạn như tận dụng các template trang đích hiệu quả. Nếu không, nó có thể khiến người dùng chán và nhanh chóng rời đi, khiến cho tỷ lệ thoát của trang tăng lên. Để tránh gặp phải tình trạng này, bạn nên sáng tạo nội dung của mình sao cho thật hấp dẫn, tốc độ tải trang cũng phải nhanh, dễ điều hướng và phải lên kế hoạch cho việc thiết kế website chuyên nghiệp.
Loại website
Hình 2: Tỷ lệ thoát chuẩn dựa trên loại website
Biểu đồ trên hiển thị tỷ lệ thoát chuẩn theo loại website. Bạn có thể thấy rằng, với trang đích hoặc blog, tỷ lệ thoát thường có xu hướng cao. Khách truy cập blog sẽ rời đi sau khi nhận được thông tin có giá trị từ bài viết họ đã đọc vì vậy tỷ lệ thoát thường cao.
Đối với các trang đích, chức năng chính của nó là chuyển đổi khách truy cập thành khách hàng tiềm năng, lượng chuyển đổi lên đến 10% được coi là tốt. Do đó, tỷ lệ thoát cao ở những trang này (ví dụ 90%) không hẳn là xấu.
Còn đối với các website thương mại điện tử, website bán lẻ hoặc website B2B thì lại khác. Vì đây là nơi mà bạn muốn khách hàng khám phá các dịch vụ và sản phẩm mà mình cung cấp, do đó nếu tỷ lệ thoát cao nghĩa là giao diện, nội dung không khiến họ cảm thấy hứng thú. Vì vậy, bạn cần có những cải tiến để đưa ra lời kêu gọi mua hàng hấp dẫn hơn, giữ chân khách hàng ở lại trang của bạn cao hơn.
Hình 3: Tỷ lệ thoát trung bình dựa trên loại ngành
Tỷ lệ thoát chuẩn cũng biến động tùy thuộc vào loại ngành. Theo một nghiên cứu đã cho biết rằng tỷ lệ thoát trung bình của các trang Tin tức là 65% trong khi ngành Công nghiệp Ô tô chỉ 46%.
Theo đó, chức năng của website sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ thoát. Với những website ô tô, họ thường đưa ra các ưu đãi cụ thể do đó, người mua tiềm năng thường xem xét kỹ hơn những điều này nên tỷ lệ thoát thường ít hơn. Trong khi đó, với những trang tin tức khi khách truy cập đọc xong một bài báo và tìm được nội dung mà mình quan tâm, họ sẽ chuyển sang bài báo khác, đôi khi họ sẽ thoát ra hẳn. Do đó, tỷ lệ thoát ở những trang tin tức có thể sẽ cao hơn một chút.
Tỷ lệ thoát 0% có ý nghĩa gì?
Tỷ lệ thoát trang thấp là điều nhiều doanh nghiệp mong muốn. Với tỷ lệ thoát 0% hẳn là điều lý tưởng tuy nhiên đây lại là yếu tố phi thực tế vì việc “tất cả các khách truy cập đều khám phá nhiều hơn một trang” là điều không thể xảy ra. Vậy nên, khi tỷ lệ thoát bằng 0 có nghĩa là website của bạn đang gặp vấn đề nào đó và bạn nên xử lý nó ngay.
Các lý do đằng sau tỷ lệ thoát bằng 0 có thể kể đến:
- Không thể truy cập website từ một link bên ngoài, có thể là do trùng lặp tags (thẻ), sự cố redirect (chuyển hướng) hoặc là do các plugin của bên thứ ba can thiệp vào việc theo dõi của Google Analytics
- Trùng lặp code Google Analytics: Có thể do hai plugin được cài đặt hoặc chồng chéo với Google Tag Manager (bạn có thể kiểm tra với Tag Assistant)
- Code của bên thứ ba khác can thiệp vào code của Google Analytics.
Tỷ lệ thoát có liên quan như thế nào đến SEO và chuyển đổi
Thông thường tỷ lệ thoát là yếu tố được xếp hạng quan trọng thứ 4 trên SERPs (Trang kết quả của công cụ tìm kiếm), ngay sau các chỉ số như số lượt truy cập website trực tiếp, thời gian trên website và các trang được truy cập mỗi phiên.
Google xem xét rất nhiều yếu tố khi xếp hạng các trang nhưng không ai biết được chính xác những yếu tố đó là gì. Tuy nhiên, tỷ lệ thoát chắc chắn là số liệu quan trọng, qua đó có thể được sử dụng để đánh giá mức độ tương tác trên website của bạn. Bởi vì các thiết kế website chuyên nghiệp, hấp dẫn người xem sẽ luôn được Google xếp hạng cao hơn, do đó tỷ lệ thoát cũng quan trọng đối với SEO.
Ngoài ra, theo một số ý kiến cho rằng tỷ lệ thoát tỷ lệ nghịch với tỷ lệ chuyển đổi, đặc biệt là trên trang đích của chiến dịch cụ thể.
Làm thế nào để cải thiện tỷ lệ thoát?
Các cách để cải thiện tỷ lệ thoát:
- Cải thiện thiết kế trải nghiệm khách hàng bằng cách loại bỏ quảng cáo, pop-ups, xây dựng đường dẫn điều hướng rõ ràng hoặc tăng tốc độ tải trang.
- Tập trung hơn vào việc tạo ra content hấp dẫn và có ý nghĩa.
- Giảm số lượng link bên ngoài.
- Đặt thanh công cụ tìm kiếm ở nơi dễ thấy để khuyến khích khách truy cập khám phá thêm.
Kết luận
Như bạn có thể thấy, việc phân tích tỷ lệ thoát không hề dễ dàng và cần phải xem xét rất nhiều yếu tố có liên quan khác. Hy vọng rằng với những chia sẻ trên đây của MangoAds sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về tỷ lệ thoát của trang, từ đó có những định hướng thiết kế website chuyên nghiệp và phù hợp nhất.