Trên thực tế, Email marketing là một công cụ rất hữu hiệu giúp bạn dễ dàng tiếp cận được với khách hàng và thu hút các khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, công cụ này lại đang được sử dụng bừa bãi khiến nhiều người coi email marketing như những thư rác (spam). Vậy cách làm email marketing hiệu quả là gì? Hãy cùng đọc bài viết dưới đây của MangoAds.
Lợi ích của email marketing
Marketing thông qua email không có nghĩa là kêu gọi người nhận phải hành động ngay lập tức. Chúng được xem là công cụ giúp người dùng ghi nhớ thương hiệu của bạn, để khi cần, họ sẽ nghĩ đến bạn mà không phải thương hiệu khác.
Email là công cụ tiềm năng trong việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với người dùng. Không như trang web, email là cơ hội để mang đến sự tương tác có tính cá nhân hơn cho người dùng. Bạn có thể đặt câu hỏi, thúc đẩy trò chuyện và thu thập phản hồi. Kiểu marketing bằng email này là một sự đối thoại, chứ không phải độc thoại.
Một email quảng cáo tốt không chỉ có lợi cho người gửi, mà cũng nên mang lại lợi ích thiết thực cho người nhận. Nó nên giúp họ giải quyết được vấn đề, cung cấp thông tin thường xuyên và đem lại giá trị rõ ràng theo một cách nào đó. Đó là những gì người nhận mong muốn khi đăng ký nhận email quảng cáo.
Nhưng vấn đề là một số người dùng chỉ đăng ký một cách tuỳ tiện, và không muốn nhận email ngay từ ban đầu.
Những vấn đề thường gặp phải
Email không nhận được sự quan tâm
Khách hàng thường có những tiêu chuẩn nhất định khi đánh giá một email nhận được. Hãy cố gắng làm nội dung email tốt hơn thay vì chỉ gửi hàng loạt email một cách qua loa.
Email không nhận được sự quan tâm có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau:
- Đối tượng bạn gửi mail là những người có trong danh sách email bạn mua được từ một đơn vị thứ ba. Những người này chưa hẳn đã là những khách hàng quan tâm đến sản phẩm mà bạn đang quảng cáo. Vì thế họ sẽ không xem email của bạn.
- Khách hàng đăng ký nhận email do trang web của bạn có đề xuất gửi email trong quá trình tạo tài khoản. Dù việc đăng ký nhận mail do người dùng chủ động lựa chọn, tuy nhiên, họ vẫn sẽ cảm thấy không thoải mái khi nhận quá nhiều email với nội dung không hữu ích với họ.
Người dùng muốn hủy nhận email thông báo
Những email thông báo thoạt nhìn có vẻ hữu ích. Nếu một người bạn của họ đăng ký một dịch vụ giống dịch vụ họ đang sử dụng, họ có thể sẽ muốn nhận email thông báo về điều đó.
Tuy nhiên những email thông báo thường không có ích gì trong việc thu hút sự chú ý của người dùng hoặc khiến họ cảm thấy muốn sử dụng lại dịch vụ của bạn.
Nếu có người đăng ký vào trang web, dịch vụ hoặc ứng dụng của bạn, và bạn muốn gửi thông báo cho họ, hãy nêu rõ đề xuất này ngay từ đầu, cũng như cho họ quyền không nhận thông báo nếu muốn.
Cách bạn xử lý email thông báo sau quá trình đăng ký cũng quan trọng. Facebook thường xuyên gửi email thông báo khi bạn có bất cứ hành động gì trên tài khoản Facebook của mình bao gồm việc thông báo có tin nhắn, có bình luận mới… mặc dù người dùng đều nhận được thông báo này trực tiếp trên ứng dụng. Việc gửi thêm email sẽ khiến họ cảm thấy phiền phức và muốn tắt tính năng này.
Việc cho phép người dùng huỷ đăng ký nhận email khi họ muốn là chuyện đương nhiên. Nếu không có lựa chọn này, người dùng sẽ đánh dấu email của bạn là thư rác, từ đó có thể khiến chúng bị cấm vĩnh viễn.
Ngay cả khi có tùy chọn huỷ đăng ký, email marketing vẫn có thể khiến người dùng cảm thấy phiền phức. Vẫn là ví dụ từ Facebook: bạn có thể huỷ đăng ký nhận email, nhưng phải đăng nhập vào tài khoản Facebook để thực hiện thao tác này. Nếu bạn không còn dùng tài khoản Facebook đó nữa, bạn có thể sẽ không nhớ thông tin đăng nhập. Do đó, người dùng nên được phép huỷ đăng ký một cách dễ dàng. Nếu không, bạn chỉ đang làm phiền họ hơn.
Đây chắc chắn là trường hợp bạn không muốn xảy ra. Tuy nhiên, việc đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng vẫn nên được ưu tiên.
Nội dung email không đúng với mong muốn của người dùng
Trong trường hợp người dùng chủ động đăng ký nhận email, họ sẽ có đặt ra những tiêu chuẩn nhất định. Email của bạn cần phải đáp ứng được những tiêu chuẩn này.
Những kênh tương tác của bạn cần có một phong cách nhất quán. Nếu trang web của bạn mang phong cách trang trọng và truyền thống, trong khi email bạn gửi lại quá giản dị và bình thường, thì sự tương phản này sẽ khiến người dùng không hài lòng. “Câu chuyện” và “đối tượng” luôn cần sự nhất quán. Social media, email và trang web cần phải sử dụng chung một ngôn ngữ với cùng chung một thông điệp.
Người dùng không chỉ đặt tiêu chuẩn về phong cách giao tiếp, mà còn về nội dung mà bạn mang lại.
Ví dụ, người đăng ký nhận tin tức định kỳ trên trang web của MangoAds sẽ muốn nhận được những tin tức mới nhất liên quan đến SEO, Web development.... Đây là nội dung mà MangoAds đã giới thiệu rằng sẽ cung cấp được cho khách hàng. Nếu thay vào đó MangoAds lại quảng cáo về dịch vụ web của mình, người dùng sẽ cảm thấy bị lừa và sau đó huỷ đăng ký.
Hãy nhớ rằng, người dùng đăng kí nhận email hiếm khi chỉ vì mục đích mua hàng. Họ luôn có những kỳ vọng khác. Những email chào bán hàng chưa đủ để làm họ hài lòng.
Mỗi một đăng kí trong danh sách gửi email của bạn là một hợp đồng. Người dùng tin tưởng và cung cấp thông tin cá nhân cho bạn để đổi lấy những giá trị mà họ cần. Thỉnh thoảng họ có thể dành thời gian để xem email bán hàng của bạn, nhưng hãy nhớ rằng đó không phải những gì họ cần. Đừng đi quá xa với những email liên tục “ép” người đọc phải mua hàng, cuối cùng họ sẽ muốn hủy đăng ký nhận email.
Ngay cả khi đăng ký nhận bản tin miễn phí từ một tổ chức nào đó, bạn cũng không nên chỉ gửi những email kêu gọi quyên góp, mà nên có những câu chuyện truyền cảm hứng hoặc mang lại giá trị thiết thực.
Mang lại giá trị là tiêu chí quan trọng không chỉ vì nó giữ độc giả ở lại, mà còn vì nó cho thấy việc bạn đặt lợi ích của độc giả lên trên lợi ích của chính mình.
Gửi email spam quá nhiều
Nhiều người làm marketing quá ưu tiên việc chạy dự án, tối ưu hoá tỷ lệ nhấp chuột và tỷ lệ chuyển đổi, theo đó ít quan tâm đến những người đăng ký. Email của họ thể hiện đúng những gì họ làm, một kiểu email spam. Người dùng sẽ không thích nhận được những email spam như vậy.
Do vậy, bạn cần luôn cố gắng cá nhân hoá những email hàng tuần được gửi đi, giống như bạn đang gửi email cho một cá nhân cụ thể. Người đăng ký là con người chứ không phải những số liệu vô tri. Bạn phải hiểu được điều đó.
Có hai cách để thực hiện được điều này. Trước tiên, email của bạn không được khiến người đọc cảm thấy đang “bị” marketing, mà phải giống như một email cá nhân thông thường. Nhìn chung, văn phong của một email marketing rất phô trương để gây sự chú ý, và email cá nhân thì hoàn toàn không như vậy.
Tiếp theo đó, email là phương tiện giao tiếp hai chiều, và email marketing của bạn cũng vậy. Tức là, bạn cần cho phép người dùng phản hồi lại trên email đã gửi đi, chứ không nên gửi email từ một địa chỉ như no-reply@company-name.com.
Hãy tích cực động viên người đăng ký tham gia vào các cuộc trò chuyện, hãy hỏi ý kiến của họ, khuyến khích họ đưa ra nhận xét và phản hồi các bản đánh giá được gửi đến ngẫu nhiên. Bằng cách này, bạn đã cho thấy họ không phải chỉ là một cái địa chỉ email có sẵn trong danh sách.
Email bị lỗi
Với mục đích tăng tỷ lệ chuyển đổi qua email, nhiều người đã sử dụng đến những email được thiết kế phức tạp hơn để gây sự chú ý. Nhưng những email này thường bị lỗi khiến cho người dùng không đọc được nội dung, từ đó có thể họ sẽ huỷ đăng ký, hoặc tệ hơn là họ báo cáo nó là thư rác.
Nhiều người cho rằng email chứa mã HTML không nên được sử dụng. Thực tế rằng, HTML email thường có tỷ lệ chuyển đổi cao và điều đó rất quan trọng. Tuy nhiên, các HTML email có thể bị lỗi hiển thị, nên chúng cần được kiểm tra kỹ trước khi gửi đi.
Các thiết bị điện thoại thông minh còn khiến vấn đề phức tạp hơn nữa. Rất nhiều người dùng hiện nay đều kiểm tra email bằng điện thoại, nhưng nhiều trình duyệt đọc email của điện thoại thường không hiển thị tốt HTML email.
Để khắc phục điều đó, bạn có thể tạo HTML email rất dễ dàng. Những công ty như MailChimp có thể cung cấp công cụ để bạn tạo email mà không cần đến bất kỳ sự hiểu biết về lập trình nào.
Người dùng cảm thấy không được tôn trọng
Nguyên tắc để không làm người đăng ký bỏ đi rất đơn giản: hãy tôn trọng họ. Hãy ghi nhớ câu châm ngôn “hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn họ đối xử với mình” và bạn sẽ không mắc sai lầm. Nếu bạn không muốn nhận những email chưa được cho phép, bị mời mua hàng liên tục và không thể huỷ đăng ký nhận thông tin, những người khác có thể cũng cảm thấy như vậy về nội dung email của bạn.
Kết luận
Bạn cảm thấy email của bạn quan trọng, nhưng đối với người đọc thì chúng cũng như những email khác mà thôi. Do đó, hãy luôn đặt bản thân vào vị trí của người dùng từ đó có cách làm email marketing hiệu quả hơn.