Google Core Update – Nghe có vẻ hoang mang chứ nó BÌNH THƯỜNG

09/07/2025 - Thien Le

Google thường xuyên thay đổi thuật toán tìm kiếm, nhưng điều đó không đáng sợ bằng việc mấy anh em SEOer không chịu cập nhật kiến thức và thích nghi với những thay đổi ấy. Bài viết này phân tích dưới góc độ khoa học và logic: Tại sao các bản cập nhật của Google không đáng sợ nếu chúng ta hiểu đúng bản chất và vì sao điều đáng sợ hơn là sự trì trệ của chính người làm SEO.

Thêm tí nữa là mình có chia sẻ thêm về chiến lược SEO hiện đại dựa trên trải nghiệm người dùng, nội dung chất lượng (E-E-A-T) và tinh thần học hỏi không ngừng.

Google luôn cập nhật – Thế bản chất là gì???

Mỗi ngày, Google thực hiện nhiều thay đổi nhỏ trong thuật toán nhằm cải thiện chất lượng kết quả tìm kiếm. Hầu hết những cập nhật này rất nhỏ và khó nhận biết, nhưng chúng giúp nâng cao trải nghiệm tìm kiếm một cách liên tục.

Cứ vài lần mỗi năm, Google tung ra những cập nhật lõi (core updates), những thay đổi lớn, diện rộng đối với hệ thống xếp hạng. Mục tiêu của các đợt cập nhật lõi là đảm bảo Google cung cấp nội dung thực sự phù hợp và có thẩm quyền cho người dùng theo đúng sứ mệnh của mình.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh: Google không “ghét” website của bạn. Các bản cập nhật không nhắm vào cá nhân hay trang web cụ thể nào, mà tập trung cải tiến cách hệ thống đánh giá nội dung trên toàn mạng.

Website của bạn có thể giảm thứ hạng sau một đợt core update không phải vì bạn làm gì sai trực tiếp vi phạm chính sách, mà có thể do những nội dung khác trên web được đánh giá hữu ích hơn và xếp cao hơn. Google ví von việc cập nhật thuật toán như làm mới danh sách “Top 100 bộ phim hay nhất” sau vài năm, sẽ có phim mới xứng đáng lọt vào, và có phim cũ phải xuống hạng dù không hề “tệ”.

Vì vậy, đừng cuống cuồng lo sửa chữa lung tung khi thấy thứ hạng thay đổi. Google khuyến nghị chủ website tập trung đánh giá và nâng cao chất lượng nội dung, đó mới là thứ thuật toán muốn “thưởng”.

Thực tế, Google tiến hành cập nhật liên tục với tốc độ đáng kinh ngạc. Thống kê cho thấy năm 2023, Google đã chạy hơn 700.000 thí nghiệm và triển khai hơn 4.000 cải tiến cho hệ thống tìm kiếm. Trung bình mỗi ngày có vài thay đổi được áp dụng.

Với cái tần suất cập nhật khổng lồ này, việc lo lắng trước mỗi lần nghe tin “Google Update” sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn hiểu rằng cốt lõi thuật toán của Google luôn hướng tới một điều: cải thiện trải nghiệm tìm kiếm cho người dùng. 

Nói cách khác, thuật toán thay đổi nhưng chân lý SEO vẫn vậy: “HỮU ÍCH hoặc là BIẾN MẤT”.

Từ SEO kiểu cũ đến SEO hiện đại: Nội dung hữu ích lên ngôi

SEO kiểu cũ (những năm trước đây) từng xoay quanh các “mẹo” kỹ thuật nhằm đánh lừa thuật toán xếp hạng. Ví dụ: nhiều người làm SEO cố nhồi nhét từ khóa vào tiêu đề, heading, mở bài, kết luận một cách máy móc, hoặc dùng công cụ bắn hàng loạt backlink trỏ về và có thể kém chất lượng. Những thủ thuật này từng có thời hiệu quả, rất hiệu quả nhưng giờ đã lỗi thời và tiềm ẩn rủi ro. 

Dưới cái thời công nghệ như bây giờ, chi cả tỷ đô để cải thiện bộ máy tìm kiếm, Google ngày càng thông minh và các bản cập nhật thuật toán đã dần loại bỏ tác dụng của các chiêu trò “bắn link, nhồi từ khóa”.

Chẳng hạn, các thuật toán chống spam như Penguin và các đợt cập nhật gần đây được thiết kế để trừng phạt việc tạo liên kết không tự nhiên, nội dung trùng lặp và nhồi từ khóa quá mức. Điển hình: Cập nhật Spam Tháng 6/2024 của Google tập trung vào việc xử lý keyword stuffing (nhồi từ khóa) và trùng lặp nội dung. Rõ ràng, SEO “mũ đen” hay các bài viết về Mẹo SEO ontop giờ không còn “đất sống” .

SEO hiện đại chuyển trọng tâm sang nội dung chất lượng và trải nghiệm người dùng. Google đã khẳng định rằng các cải tiến thuật toán gần đây nhằm đảm bảo người dùng thấy nội dung gốc, hữu ích do con người tạo ra vì lợi ích của người dùng.

Cập nhật “Helpful Content” (nội dung hữu ích) năm 2022 là ví dụ điển hình: Google muốn thưởng cho nội dung khiến người đọc cảm thấy hài lòng, đồng thời hạ thấp xếp hạng những nội dung không đáp ứng được kỳ vọng của người tìm kiếm. Triết lý này được gọi là “people-first content”, đây là nội dung lấy con người làm trung tâm.

Google khuyến nghị các nhà sáng tạo nội dung hãy theo sát nguyên tắc tạo nội dung cho người dùng trước tiên, thay vì viết cho máy tìm kiếm. Một số câu hỏi tự kiểm tra mà chính Google đưa ra có thể kể đến:

  • Nội dung của bạn có hữu ích thực sự cho đối tượng người đọc mục tiêu không?
  • Nội dung có thể hiện chuyên môn và trải nghiệm thực tế không?
  • Sau khi đọc xong, người dùng có cảm thấy thỏa mãn nhu cầu thông tin và không phải tìm ở nơi khác nữa không?

Nếu trả lời “Có” cho những câu hỏi này, nghĩa là bạn đang đi đúng hướng với cách tiếp cận “lấy người dùng làm trung tâm”.

Ngược lại, nếu nội dung được tạo ra chỉ để câu kéo lượt truy cập từ Google, thì đó là dấu hiệu cảnh báo. Google liệt kê hàng loạt biểu hiện của “search engine-first content” (nội dung ưu tiên công cụ tìm kiếm) để bạn tránh mắc phải: Ví dụ, viết về chủ đề chỉ vì nó đang hot chứ không thực sự phục vụ người đọc cốt lõi của bạn, hoặc tổng hợp nội dung từ nhiều nơi mà không tạo giá trị mới.

Đặc biệt, Google nhấn mạnh không hề có độ dài bài viết “chuẩn” nào cho SEO – việc viết lan man cho đủ số từ chỉ vì nghĩ Google thích bài dài là sai lầm. Thay vào đó, nội dung ngắn gọn nhưng giải quyết đúng nhu cầu của người tìm kiếm sẽ được đánh giá cao hơn. Đây cũng chính là kinh nghiệm của nhiều SEOer hiện nay: “Viết bài không cần quá dài, nhưng phải đúng trọng tâm – phải giải quyết được ý định tìm kiếm”.

Như vậy, thay vì tập trung mánh khoé kỹ thuật, SEOer cần đầu tư vào giá trị thực sự của nội dung. Câu hỏi cốt yếu luôn phải là: Nội dung này có hữu ích với người đọc hay không? Nếu hữu ích, Google sẽ tìm cách đưa nó đến người cần. Nếu vô ích, sớm muộn nội dung đó cũng biến mất khỏi top tìm kiếm – đúng như chân lý “hữu ích hay là biến mất” trong SEO hiện đại.

E-E-A-T: Thước đo chất lượng nội dung thời đại mới

Song song với việc ưu tiên nội dung hữu ích, Google ngày càng đề cao các tiêu chí E-E-A-T trong đánh giá chất lượng. E-E-A-T là viết tắt của Experience (Kinh nghiệm), Expertise (Chuyên môn), Authoritativeness (Thẩm quyền) và Trustworthiness (Độ tin cậy).

" Theo Google, hệ thống xếp hạng của họ được thiết kế để thưởng cho những nội dung “gốc” và “chất lượng cao” có thể hiện các yếu tố kinh nghiệm, chuyên môn, thẩm quyền và độ tin cậy này."

Đây không phải là một thuật toán cụ thể, mà là một khung tiêu chuẩn được Google dùng để đánh giá mức độ uy tín và hữu ích của nội dung. Trong đó, Trustworthiness (sự tin cậy) là yếu tố quan trọng nhất, còn Experience (kinh nghiệm thực tế) là yếu tố mới được bổ sung gần đây nhằm khuyến khích nội dung có trải nghiệm trực tiếp.

  • Ví dụ, một bài viết đánh giá sản phẩm sẽ có độ tin cậy cao hơn nếu người viết thực sự cầm trên tay và sử dụng sản phẩm đó, cung cấp ảnh chụp hoặc ví dụ thực tế, thay vì chỉ tổng hợp lý thuyết suông. Google cũng đưa ra gợi ý: nội dung nên thể hiện rõ ai là người viết, họ có chuyên môn gì, website của bạn có độ uy tín ra sao trong lĩnh vực đó. Những yếu tố này đều góp phần xây dựng E-E-A-T cho nội dung.

Để làm rõ tầm quan trọng của E-E-A-T, Google có hẳn đội ngũ Search Quality Raters (người đánh giá chất lượng tìm kiếm), họ được đào tạo để đánh giá kết quả tìm kiếm dựa trên mức độ đáp ứng E-E-A-T của nội dung. Dù ý kiến của những Rater này không trực tiếp ảnh hưởng đến xếp hạng, chúng giúp Google kiểm chứng thuật toán có đang hoạt động tốt hay không.

Do đó, nghiên cứu tài liệu “Nguyên tắc đánh giá chất lượng tìm kiếm” của Google (Search Quality Rater Guidelines) là việc mỗi SEOer nên làm. Tài liệu này (công khai bởi Google) chứa rất nhiều ví dụ cụ thể về thế nào là nội dung chất lượng, thế nào là E-E-A-T cao. Hiểu được tiêu chuẩn của Google cũng giống như hiểu tiêu chí chấm điểm, từ đó bạn có thể điều chỉnh nội dung của mình cho phù hợp.

Áp dụng vào thực tế làm nội dung, hãy luôn tự hỏi:

  • Bài viết của mình có đem lại góc nhìn hoặc thông tin độc đáo từ kinh nghiệm bản thân không?
  • Thông tin đưa ra đã chính xác, có trích dẫn nguồn đáng tin và kiểm chứng được chưa?
  •  Website và tác giả có đủ uy tín trong chủ đề này không? 

Bổ sung các yếu tố trải nghiệm thực tế (ví dụ ảnh chụp tự chụp, case study thực tế của công ty mình) cùng với việc trích dẫn nguồn đáng tin cậy sẽ giúp nâng cao E-E-A-T cho nội dung. Đây là lý do tại sao người làm SEO hiện nay khuyến khích viết bài “có trải nghiệm thật, ảnh thật, ví dụ thật”, vì đó là cách trực tiếp để chứng minh Experience, Expertise và Trustworthiness với cả người đọc lẫn Google.

Trải nghiệm người dùng và yếu tố kỹ thuật - Nền tảng để phát triển

Nội dung hay chưa đủ, Google cũng đánh giá cao trải nghiệm trang (page experience) – tức là trang web của bạn có dễ dàng và thoải mái cho người dùng hay không. Các yếu tố như tốc độ tải trang, tính thân thiện trên di động, bố cục nội dung rõ ràng, không quá nhiều quảng cáo… đều được thuật toán xem xét.

Google khẳng định các hệ thống cốt lõi của họ luôn cố gắng thưởng cho nội dung mang lại trải nghiệm trang tốt. Vì vậy, người quản trị website không nên chỉ tập trung vào một hai khía cạnh riêng lẻ, mà cần đảm bảo tổng thể trang đều mang lại trải nghiệm tốt.

Một trang web có nội dung xuất sắc nhưng tốc độ quá chậm hoặc khó đọc trên điện thoại có thể khiến người dùng thoát ra và như vậy giá trị nội dung cũng giảm đi. Ngược lại, tối ưu các khía cạnh kỹ thuật sẽ hỗ trợ nội dung phát huy hiệu quả cao nhất. Một số điểm cần lưu ý gồm:

  • Tối ưu tốc độ tải: Tốc độ là yếu tố quan trọng trong Core Web Vitals. Trang tải nhanh giữ chân người dùng lâu hơn. Google từng cập nhật thuật toán dành riêng cho tốc độ (Speed Update) nhằm ưu tiên các trang có tốc độ tốt trên di động.
  • Thiết kế thân thiện và bố cục rõ ràng: Nội dung nên được trình bày mạch lạc, phân tách thành các đề mục (heading) và đoạn văn ngắn, có danh sách liệt kê nếu phù hợp. Cấu trúc rõ ràng không chỉ giúp người đọc dễ theo dõi mà còn tăng khả năng được Google chọn làm đoạn trích nổi bật (Featured Snippet). Nhiều nghiên cứu cho thấy việc trình bày dưới dạng danh sách hoặc bảng sẽ làm Google dễ trích xuất thông tin hơn, cải thiện cơ hội lên vị trí Top 0.
  • Hình ảnh, video và nội dung trực quan: Chèn hình ảnh minh họa chân thực (có thẻ alt mô tả) giúp bài viết sinh động và chứng minh trải nghiệm thực tế (như đã nói ở phần E-E-A-T). Đồng thời, đừng quên nén ảnh để tối ưu dung lượng, tránh làm chậm trang.
  • Quảng cáo và pop-up ở mức vừa phải: Trải nghiệm người dùng sẽ tệ nếu trang đầy quảng cáo che nội dung. Google cũng có thuật toán phạt các trang lạm dụng quảng cáo gây khó chịu (ví dụ thuật toán về intrusive interstitials).

Tóm lại, kỹ thuật SEO on-page ngày nay gắn liền với việc nâng cao trải nghiệm thực tế của người dùng. Nội dung xuất sắc + trải nghiệm tốt sẽ tạo nên lợi thế bền vững. Google thường nhắc nhở: đừng cố gắng “gian lận” để có chỉ số tốt, hãy thật sự làm website của bạn tốt hơn cho người dùng. Khi người dùng ở lại lâu hơn, tương tác nhiều hơn vì thấy trang của bạn hữu ích và dễ chịu, thì thuật toán Google cũng sẽ ghi nhận và ưu ái bạn hơn so với đối thủ.

AI trong SEO Content: Công cụ hỗ trợ đắc lực, không phải “cỗ máy cày thứ hạng”

Sự bùng nổ của AI (trí tuệ nhân tạo) như Chat GPT, GEMINI, Claude… đã mở ra một chương mới trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Nhiều SEOer và marketer bắt đầu sử dụng AI để hỗ trợ phân tích, lập dàn ý, thậm chí viết nháp nội dung. Đây là một bước tiến giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả công việc. Tuy nhiên, cũng có không ít lo ngại: 

Liệu Google có “ghét” nội dung AI? Có phạt những trang dùng AI viết content không?

Câu trả lời từ Google là: Google quan tâm đến chất lượng nội dung hơn là cách nội dung đó được tạo ra. Nếu nội dung cuối cùng đáp ứng tiêu chí hữu ích, chất lượng, E-E-A-T cao, thì dù viết bằng AI hay con người cũng đều được chấp nhận. Google khẳng định các hệ thống xếp hạng của họ tập trung thưởng cho nội dung gốc, hữu ích, bất kể nó “đến từ ai”. 

Thậm chí khoảng 10 năm trước, khi xuất hiện làn sóng “nội dung sản xuất hàng loạt bởi con người” (content farms), Google cũng không cấm đoán thủ công mà chọn cách cải thiện thuật toán để tự động nhận diện và thưởng nội dung chất lượng. Điều này đang lặp lại với nội dung AI: Google không cấm AI, nhưng họ sẽ dùng thuật toán để đánh giá chất lượng nội dung và loại bỏ nội dung kém chất lượng (dù do AI hay người viết).

Tuy nhiên, Google cũng cảnh báo: Việc lạm dụng AI/automation chỉ để thao túng thứ hạng (ví dụ tạo ra hàng trăm bài vô nghĩa nhồi từ khóa bằng phần mềm) vẫn bị coi là spam và vi phạm chính sách. Google có nhiều năm kinh nghiệm xử lý dạng spam tự động này, với các hệ thống như SpamBrain sẵn sàng “đánh sập” nội dung AI rác. Ngược lại, AI được dùng một cách có trách nhiệm, như tạo nội dung hữu ích (ví dụ tự động tạo bảng số liệu thời tiết, kết quả thể thao), thì hoàn toàn được hoan nghênh.

Lời khuyên cho người làm nội dung là hãy coi AI như một công cụ hỗ trợ, không phải “cỗ máy kiếm tiền tự động”. Bạn có thể dùng ChatGPT, Claude, AI ABCXYZ để phân tích chủ đề, gợi ý dàn ý, thậm chí viết bản nháp. Nhưng đừng đăng nội dung do AI viết ra mà chưa qua biên tập. Hãy thêm vào đó “chất cảm xúc” của bạn: kiểm chứng lại thông tin, bổ sung ví dụ thực tế, giọng văn phù hợp đối tượng độc giả và đảm bảo bài viết có chiều sâu.

Những yếu tố này AI khó lòng làm tốt bằng con người, và đó chính là giá trị gia tăng để nội dung của bạn vượt trội và khác biệt. Google khuyến khích người sáng tạo nội dung nên tự đánh giá sản phẩm cuối cùng của mình theo các tiêu chí Who, How, Why – ai là người tạo nội dung, nội dung được tạo như thế nào, và tại sao nội dung này lại hữu ích? Nếu bạn có câu trả lời thuyết phục cho 3 câu hỏi đó, nghĩa là bạn đang đi đúng hướng.

Tóm lại, AI không đáng sợ, cách dùng AI thiếu trách nhiệm mới đáng sợ.

Hãy tận dụng AI để nâng cao hiệu suất và chất lượng công việc SEO, nhưng đừng ỷ lại hoàn toàn. Cuối cùng, sáng tạo nội dung vẫn cần bàn tay, khối óc và trái tim của con người để chạm đến người đọc và đó là điều Google muốn thấy.

Liên tục học hỏi và cập nhật bản thân, chiến lược sống còn cho SEOer

SEO luôn vận động. Google thay đổi thuật toán liên tục, hành vi người dùng cũng đổi thay theo thời gian. Vì thế, kỹ năng và tư duy của người làm SEO cũng phải không ngừng cập nhật. Thực tế cho thấy những chiến lược SEO lỗi thời sẽ nhanh chóng bị bỏ lại. Ngược lại, ai nắm bắt sớm xu hướng mới, hiểu rõ nguyên tắc cốt lõi sẽ giữ vững được thứ hạng và thậm chí vươn lên dẫn đầu.

- Đối với người mới làm SEO: hãy bắt đầu bằng nền tảng vững chắc. Điều này bao gồm hiểu rõ cách Google hoạt động (lập chỉ mục, xếp hạng ra sao), nắm vững các thuật toán cốt lõi (Panda, Penguin, Hummingbird, RankBrain, …), và trang bị tư duy đúng về content marketing. Đừng sa vào những “bí kíp” chưa kiểm chứng; thay vào đó, hãy đọc các tài liệu chính thống từ Google (như Hướng dẫn SEO và Nguyên tắc quản trị trang web).

Học hỏi về E-E-A-T, về ý định tìm kiếm (search intent) của người dùng để định hướng nội dung. Và quan trọng nhất, tập viết những nội dung giải quyết vấn đề thực sự cho người đọc, thay vì viết chỉ để nhét đủ từ khóa hay đủ số từ. Khảo sát cho thấy 83% marketer nhận định việc tạo nội dung chất lượng cao với tần suất thấp hiệu quả hơn nhiều so với việc đăng hàng loạt nội dung chất lượng thấp. Chất lượng luôn thắng số lượng trong cuộc chơi lâu dài.

Ngoài ra, người mới cũng nên tận dụng các công cụ AI một cách thông minh để hỗ trợ nghiên cứu và sáng tạo, ví dụ dùng AI gợi ý chủ đề, tiêu đề, phân tích top 10 kết quả hiện có. AI có thể giúp rút ngắn đường cong học tập, nhưng hãy luôn nhớ giữ bản sắc và tư duy phản biện của chính mình.

- Đối với các SEOer đã có nhiều năm kinh nghiệm: thành công trong quá khứ rất quý báu, nhưng cũng có thể trở thành rào cản nếu ta bảo thủ với thói quen cũ. Hãy sẵn sàng bỏ đi những phương pháp lỗi thời mà trước đây ta làm “theo thói quen”. Ví dụ, nếu trước đây anh/chị từng xây dựng hàng ngàn backlink không tự nhiên, hãy dừng lại và chuyển hướng sang xây liên kết chất lượng, liên kết kiếm được do nội dung hay (earned links) thay vì liên kết mua bằng mọi giá.

Nếu từng quản lý hàng trăm trang “vệ tinh” nội dung mỏng chỉ để lấy link, có lẽ đã đến lúc tập trung nguồn lực cho vài trang chính với nội dung thực sự xuất sắc. Bên cạnh đó, đừng mải mê chạy theo nội dung mới mà bỏ quên kho nội dung cũ trên website. Một chiến lược hiệu quả là định kỳ audit lại nội dung cũ: bài nào có thể bổ sung thông tin cập nhật, bài nào nên gộp, bài nào cần viết lại tiêu đề/meta cho hấp dẫn hơn.

Nghiên cứu cho thấy việc cập nhật nội dung cũ đem lại lợi ích rõ rệt: 53% marketer ghi nhận tăng tương tác và 49% thấy tăng lượng truy cập sau khi làm mới các bài viết cũ. Thậm chí 74% blogger coi việc cập nhật nội dung là một phần không thể thiếu trong chiến lược lâu dài của họ. Rõ ràng, làm mới và nâng cấp nội dung hiện có thường mang lại ROI cao hơn so với việc chỉ sản xuất bài mới liên tục. Google cũng khuyến khích điều này qua thuật toán Helpful Content, nếu website loại bỏ hoặc cải thiện các nội dung “ít hữu ích”, các nội dung tốt còn lại có thể sẽ được đánh giá cao hơn.

Ngoài nội dung, mở rộng kỹ năng của bản thân cũng rất quan trọng. SEOer hiện đại không chỉ biết về từ khóa và backlinks, mà còn cần hiểu về kỹ thuật web (HTML, CSS, tối ưu tốc độ, cấu trúc dữ liệu…), thậm chí nên học thêm kỹ năng lập trình cơ bản (ví dụ Python) để tự động hóa các công việc phân tích dữ liệu SEO.

Kỹ năng sử dụng công cụ phân tích (Google Analytics, Search Console, các tool SEO) ở mức chuyên sâu cũng là điểm khác biệt giữa người làm SEO trung bình và chuyên gia. Xu hướng AI trong tìm kiếm (như Google tích hợp AI tổng hợp câu trả lời – Search Generative Experience) đang đến rất gần, đòi hỏi chúng ta phải cập nhật kiến thức liên tục để thay đổi chiến lược SEO phù hợp bối cảnh mới.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng sự học hỏi không bao giờ thừa trong lĩnh vực SEO. Chính tinh thần cầu tiến, sẵn sàng “update bản thân” mới là vũ khí giúp chúng ta không sợ bất kỳ bản cập nhật nào của Google. Thay vì dành quá nhiều thời gian lo lắng “Google lại sắp update gì”, hãy đầu tư thời gian nâng cấp kiến thức, kỹ năng và tư duy cho chính mình. Khi bạn nắm vững nguyên lý nền tảng và luôn linh hoạt, bạn sẽ thấy mỗi lần Google cập nhật là một cơ hội để mình tiến gần hơn tới mục tiêu tạo ra nội dung hữu ích vượt trội.

Lời khuyên

Google update không đáng sợ. Cái đáng sợ là... bạn lười update chính mình

Thông điệp này không chỉ là một khẩu hiệu vui, mà hoàn toàn đúng trong thực tế làm SEO hiện nay. Thuật toán Google sẽ còn tiếp tục thay đổi hàng ngày, hàng giờ, nhưng mục tiêu cuối cùng của nó vẫn nhất quán: mang lại nội dung hữu ích, đáng tin cậy cho người dùng. Nếu chúng ta lấy đó làm kim chỉ nam, tập trung làm tốt nhất cho người đọc, thì không có lý do gì phải sợ hãi trước các đợt cập nhật.

Hãy coi mỗi thay đổi của Google là một lời nhắc nhở để tự đổi mới: cập nhật lại những kiến thức SEO, thử nghiệm chiến lược mới, và quan trọng nhất là nâng cao chất lượng nội dung cũng như giá trị mà chúng ta mang đến cho người dùng. Chiến lược SEO bền vững không bao giờ là những mánh khóe ngắn hạn, mà nằm ở việc kiên trì tạo ra giá trị thực. Khi bạn tập trung vào người dùng, trau dồi chuyên môn và không ngừng học hỏi, thuật toán nào rồi cũng sẽ ủng hộ bạn. Người làm SEO hãy là người đồng hành cùng Google trong việc phục vụ người tìm kiếm, thay vì ở thế đối đầu hay “lách luật”.

Cuối cùng, hãy luôn tự hỏi mình đã “update” hôm nay chưa, có thể là đọc một nghiên cứu mới, học một kỹ năng mới, hay đơn giản là cập nhật một bài blog cũ thành phiên bản tốt hơn. Đó mới chính là cách chúng ta “miễn nhiễm” với sự biến động của Google. Trong cuộc chơi SEO dài hạn, người chiến thắng sẽ là người hữu ích nhất, ai mang lại giá trị đích thực cho người dùng, người đó sẽ trường tồn. Hãy luôn nhớ điều đó và vững tin tiến về phía trước.

>>> Mình hay đọc các tài liệu của Google tại Blog trung tâm tìm kiếm