Các kỹ thuật nghiên cứu thông tin hiệu quả dành cho UX designer (Phần 2)

Các kỹ thuật nghiên cứu thông tin hiệu quả dành cho UX designer (Phần 2)

Khi thiết kế một website, việc tìm hiểu và nghiên cứu thông tin là bước đầu tiên mà UX designer cần phải làm nhằm định hình được sản phẩm, từ đó đưa ra được giải pháp thiết kế tối ưu nhất cho sản phẩm và trải nghiệm người dùng. Trong phần này, MangoAds sẽ tiếp tục đưa ra những kỹ thuật nghiên cứu thông tin thông dụng nhất để bạn có thể áp dụng vào dự án của mình.

Phương pháp review (Heuristic evaluation)

Đây là một hoạt động nhằm đánh giá, xem xét một giao diện đã làm trước đó để xem hiệu năng hoạt động của nó tốt thế nào, và còn những điểm nào cần khắc phục thêm. Quá trình này yêu cầu người thực hiện cần có một số hiểu biết nhất định về thiết kế. Ví dụ, khi đánh giá một trang đăng nhập của một website có sẵn, thường sẽ có những mục này trên màn hình: nơi  nhập tên đăng nhập hoặc địa chỉ email, nơi nhập mật khẩu, một đường link đến dịch vụ chăm sóc khách hàng, và một đường link đến các chính sách cá nhân. Một thông báo khi người dùng đã đăng nhập thành công hay thất bại. Trang cũng cần có khả năng đưa ra lựa chọn tạo tài khoản mới hoặc đăng nhập sử dụng tài khoản hiện có, cũng như việc thêm vào các chức năng bảo mật khi người dùng quên mật khẩu. Ngoài ra, cũng nên có một đường link để báo lỗi khi trải nghiệm người dùng gặp vấn đề.

Khi review trang web bạn cần phải xem xét kỹ lưỡng tất cả các danh mục của nó để tìm ra những yếu tố đã hoạt động rất tốt và phát hiện các lỗi cần khắc phục hoặc cần được thiết kế lại. Sau đó, design sẽ dựa vào các gợi ý này và hoàn thiện các lỗ hổng trong hệ thống.

Bạn nên tạo một bảng đánh giá như hình bên dưới để có thể thẩm định cụ thể từng chức năng, điều này vừa giúp bạn xác định chính xác những vị trí của các điểm yếu, vừa giúp thể hiện các phần thiết kế đã vận hành ổn định.

Phân loại thẻ (Card Sorting)

Đây là một phương pháp khá phổ biến được dùng để phân loại sản phẩm, các danh mục điều hướng, hoặc các danh sách khác cần được sắp xếp vào một nhóm theo một trật tự logic. Quá trình này khá đơn giản. Bạn viết tên của tất cả yếu tố lên các tấm thẻ, để ngẫu nhiên trên bàn hoặc dán lên tường, sau đó, sắp xếp chúng lại theo những nhóm phù hợp về mặt logic. Phương pháp này sẽ giúp bạn dễ dàng tạo được flowchart, wireframe hơn khi tiến hành kiến trúc thông tin cho website.

Nhóm tập trung ( Focus group)

Phương pháp này khá thông dụng và đem lại hiệu quả cao cho kỹ thuật nghiên cứu thông tin. Không chỉ vậy, các chuyên gia marketing, hoặc những nhà phát triển phần mềm cũng sử dụng phương pháp này để đo lường mức độ hấp dẫn của các tính năng đề xuất, hoặc để tìm kiếm các ý tưởng từ người dùng hiện tại hoặc các đối tượng tiềm năng.

Kỹ thuật này bao gồm việc tập hợp người dùng hiện hữu, hoặc các người dùng tiềm năng vào một phòng để làm brainstorm theo nhóm. Một thành viên đội phần mềm thường sẽ chủ trì buổi họp để chắc chắn mọi thứ đi đúng hướng. Buổi brainstorm có thể dựa trên một kịch bản các câu hỏi liên quan đến tính năng, nhưng cũng có thể diễn ra hoàn toàn tự nhiên, không chuẩn bị trước.

Thành công của những buổi brainstorm này phụ thuộc nhiều vào chất lượng của các đối tượng tham gia. Việc chọn những người đại diện chuẩn xác cho thị trường mục tiêu của bạn là rất quan trọng. Ngược lại, nếu đối tượng mời tới không thuộc nhóm khách hàng tiềm năng hoặc thích hợp, buổi brainstorm sẽ dễ dàng đi chệch hướng, gây thiệt hại về thời gian và tiền bạc.

Nếu được thực hiện đúng cách, các nhóm tập trung có thể thật sự giúp xác định danh sách tính năng họ mong muốn có trên website của bạn. Điều này giảm thiểu khả năng bạn tự phán đoán về mong muốn của người dùng khi trải nghiệm website của bạn.

Khảo sát người dùng (User surveys)

Phương pháp này đòi hỏi bạn phải gửi đi bảng khảo sát, bao gồm những câu hỏi liên quan đến sản phẩm và tính năng, đến người dùng hoặc những khách hàng tiềm năng của một sản phẩm hiện hữu. Nó được coi như một biến thể của phương pháp nhóm tập trung. Khảo sát người dùng thường được áp dụng để lấy ý kiến phản hồi từ các mockup hoặc bản thử của giao diện đề xuất, cũng như đo lường độ hứng thú với các tính năng mới đang được cân nhắc cho các phiên bản sau của sản phẩm.

Dù không có tính tương tác như nhóm tập trung, nó vẫn có các lợi thế rõ rệt như thực hiện dễ dàng và tiết kiệm hơn. Bạn sẽ giảm được chi phí và các vấn đề liên quan đến thời gian biểu khi cố gắng đưa một nhóm người đến một địa chỉ cố định vào một thời gian cụ thể. Hơn nữa, bạn có thể đưa bản khảo sát đến hàng nghìn người, giúp kết quả sẽ tăng độ xác thực đáng kể.

Hiện nay, có nhiều trang web/ dịch vụ khảo sát online hỗ trợ việc tạo, chia sẻ, và tổng hợp kết quả khảo sát. Do đó mà phương pháp này thường được nhiều người ưu tiên sử dụng hơn.

Lên ý tưởng (Brainstorming)

Có lẽ kỹ thuật hữu hiệu nhất chúng ta có thể sử dụng trong giai đoạn nghiên cứu thông tin là tổ chức các buổi lên ý tưởng với các bên liên quan và những thành viên khác trong nhóm.

Để thực hiện phương pháp này hiệu quả nhất, bạn nên thực hiện theo các hướng dẫn dưới đây:

  • Lên lịch cho cuộc họp và mời các đối tượng liên quan tham gia.
  • Chỉ định người ghi lại biên bản cuộc họp và gửi lại nó cho mọi người sau khi kết thúc cuộc họp.
  • Bắt đầu buổi họp bằng việc nêu ra mục tiêu của buổi lên ý tưởng. Chia sẻ các nghiên cứu bạn đã thực hiện cho đến thời điểm hiện tại để giúp mọi người cùng nắm được.
  • Bạn nên là thành viên tích cực trong cuộc thảo luận và phác thảo các ý tưởng hình thành trong buổi thảo luận lên bảng trắng hoặc tờ giấy lớn.
  • Cố gắng giữ mọi người thảo luận đúng chủ đề bằng cách ghi các chủ đề có liên quan vào danh sách để thảo luận sau.
  • Kết thúc buổi họp bằng cách xác nhận lại công việc và thời hạn mỗi người có trước khi phải báo cáo kết quả.
  • Tóm tắt buổi thảo luận với các bản thảo cuối về tính năng, layout, hoặc điều hướng đã được thống nhất.
  • Cố gắng đạt sự thống nhất từ tất cả đối tượng tham gia về định hướng chung của biểu đồ task flow đã được phác thảo trong buổi họp.
  • Các ý kiến khác biệt nên được ghi nhận. Bạn có thể sẽ phải tạo hai hoặc ba biểu đồ để biểu thị các giải pháp cạnh tranh này và sẽ cần thêm nhiều buổi họp nữa để giải quyết vấn đề này.

Kết luận

Trên đây là 5 phương pháp thường được dùng trong nghiên cứu thông tin khi thiết kế một website hoặc ứng dụng. Các phương pháp này có thể được áp dụng trong thiết kế web mới hoặc tái thiết kế web. Tùy từng dự án và quy mô của dự án mà bạn có thể áp dụng các phương pháp khác nhau nhằm đem lại kết quả nghiên cứu tốt nhất.