Bí quyết nâng cao thiết kế UX/UI cho ứng dụng web hiệu quả

24/09/2024 - Thien Le

Tối ưu hóa trải nghiệm người dùng (UX) và giao diện người dùng (UI) là 2 yếu tố quyết định thành công của một ứng dụng web. Khi người dùng cảm thấy thoải mái và dễ dàng  tương tác, họ sẽ quay lại và thường xuyên truy cập vào web của bạn nhiều hơn. Vậy làm thế nào để đạt được điều này? Dưới đây là 7 mẹo quan trọng của MangoAds mà bạn không thể bỏ qua khi thiết kế UX/UI cho ứng dụng web, giúp bạn không chỉ giữ chân người dùng mà còn nâng cao giá trị thương hiệu.

1. Tầm quan trọng của thiết kế UX/UI trong ứng dụng web

Hình 1: Phân biệt UX và UI (Nguồn: squibble.design)

Hình 1: Phân biệt UX và UI (Nguồn: squibble.design)

UX và UI là hai thành phần không thể tách rời trong quá trình phát triển ứng dụng web, cụ thể:

  • UX (User Experience – Trải nghiệm người dùng): Mục tiêu chính là tối ưu hóa sự hài lòng của người dùng bằng cách cải thiện khả năng sử dụng, dễ sử dụng và tương tác giữa người dùng với sản phẩm. 
  • UI (User Interface – Giao diện người dùng): UI là phần mà người dùng nhìn thấy và tương tác trực tiếp. UI bao gồm tất cả các yếu tố mà người dùng tương tác trên màn hình, như nút bấm, biểu tượng, màu sắc, typography, hình ảnh và bố cục. 

Khi cả UX và UI được thiết kế tối ưu, chúng sẽ tạo nên một ứng dụng web đẹp mắt, dễ sử dụng, mang lại sự hài lòng cao cho người dùng. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần có những chiến lược thiết kế cụ thể và một quá trình phát triển liên tục dựa trên phản hồi của người dùng. Dưới đây là 7 mẹo quan trọng giúp bạn tối ưu hóa UX/UI cho ứng dụng web của mình.

Hình 2: 7 mẹo quan trọng giúp tối ưu hóa thiết kế UX/UI cho ứng dụng web (Nguồn: MangoAds)

Hình 2: 7 mẹo quan trọng giúp tối ưu hóa thiết kế UX/UI cho ứng dụng web (Nguồn: MangoAds)

1.1. Tìm hiểu người dùng

Hiểu rõ người dùng là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình thiết kế UX/UI. Một ứng dụng web chỉ có thể thành công nếu nó đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của người dùng.

Đầu tiên, tiến hành nghiên cứu người dùng, bao gồm khám phá ai là người dùng của bạn, họ mong muốn gì từ ứng dụng của bạn và họ sẽ sử dụng nó như thế nào, cụ thể: 

  • Khảo sát người dùng: Gửi các bảng khảo sát trực tuyến để thu thập ý kiến của người dùng về nhu cầu, mong đợi, và khó khăn khi sử dụng các ứng dụng web hiện tại. 
  • Phỏng vấn người dùng: Tiến hành các cuộc phỏng vấn trực tiếp với người dùng để hiểu rõ hơn về hành vi, động lực, và những khó khăn mà họ gặp phải khi sử dụng ứng dụng.
  • Quan sát hành vi người dùng: Sử dụng các công cụ Hotjar để theo dõi cách người dùng tương tác với ứng dụng của bạn. Bạn có thể ghi lại các phiên làm việc của người dùng và phân tích hành vi của họ trên giao diện ứng dụng. 
  • Xây dựng chân dung khách hàng: Dựa trên dữ liệu thu thập được, bạn có thể tạo ra các persona đại diện cho các nhóm người dùng khác nhau. Persona là các hồ sơ chi tiết về người dùng tưởng tượng, bao gồm tên, độ tuổi, nghề nghiệp, mục tiêu, và thách thức. 

Thứ hai, sau khi thu thập đủ dữ liệu từ người dùng, bước tiếp theo là áp dụng những thông tin này vào quá trình thiết kế, cụ thể: 

  • Tạo nguyên mẫu và thử nghiệm: Sử dụng các công cụ thiết kế để tạo ra nguyên mẫu của ứng dụng và tiến hành thử nghiệm với một nhóm nhỏ người dùng. 
  • Liên tục điều chỉnh thiết kế: Dựa trên phản hồi từ thử nghiệm, bạn có thể điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh màu sắc, thay đổi vị trí các nút bấm, hoặc cải thiện tính năng điều hướng để cải thiện ứng dụng. 
  • Sử dụng công cụ phản hồi liên tục: Tiện ích phản hồi của Hotjar có khả năng bạn thu thập ý kiến từ người dùng trong thời gian thực.

Hình 3: Tiện ích phản hồi của Hotjar giúp bạn tìm hiểu những gì người dùng muốn  (Nguồn: hotjar.com)

Hình 3: Tiện ích phản hồi của Hotjar giúp bạn tìm hiểu những gì người dùng muốn  (Nguồn: hotjar.com)

1.2. Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh 

Đầu tiên, khi phân tích đối thủ cạnh tranh, hãy tập trung vào xác định những gì họ làm tốt và những gì họ chưa làm tốt.

Từ đó bạn biết được đâu là những tiêu chuẩn mà bạn cần đạt được và đâu là những cơ hội để cải thiện. Cụ thể bạn có thể quan sát và phân tích các khía cạnh sau đây: 

  • Phân tích giao diện và trải nghiệm người dùng: Sử dụng các ứng dụng của đối thủ cạnh tranh như một người dùng thực sự và tự đặt mình vào vị trí của người dùng để đánh giá trải nghiệm. 
  • Xác định yếu tố khác biệt: Khi sử dụng ứng dụng hãy tìm kiếm những yếu tố thiết kế mà đối thủ của bạn không làm tốt và chưa tốt. Từ đó bạn có thể xác định cơ hội tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình. Ví dụ, nếu đối thủ của bạn có giao diện phức tạp, bạn có thể tập trung vào việc thiết kế một giao diện đơn giản, dễ sử dụng hơn.

Sau khi đã nhận ra được điểm mạnh và yếu của đối thủ bạn nên học hỏi từ thành công của họ và tránh những sai lầm mà họ mắc phải. Áp dụng các yếu tố thành công như giao diện thân thiện hoặc tính năng độc đáo để nâng cao chất lượng sản phẩm của bạn. Đồng thời, tránh những lỗi mà đối thủ đã mắc phải, như điều hướng phức tạp, bằng cách thiết kế hệ thống điều hướng rõ ràng và dễ sử dụng. 

Ngoài ra, bạn nên theo dõi xu hướng trong ngành vì thiết kế web và UX/UI luôn thay đổi theo thời gian, vì vậy bạn cần thường xuyên theo dõi xu hướng mới trong ngành. 

>>> Xem thêm: Phân tích đối thủ cạnh tranh bằng công cụ SEMrush

1.3. Tạo user flow liền mạch trong hành trình người dùng 

User flow là trình tự các bước mà người dùng trải qua để hoàn thành một tác vụ cụ thể trên ứng dụng. Để tạo ra một user flow liền mạch, cần đảm bảo rằng người dùng có thể điều hướng qua các tính năng của ứng dụng một cách dễ dàng và không gặp phải bất kỳ trở ngại nào.

Sau đâu là các phương pháp để tạo user flow liền mạch:

Xác định các bước quan trọng

Bước đầu tiên là xác định các bước mà người dùng cần thực hiện để hoàn thành mục tiêu cụ thể. Ví dụ, nếu ứng dụng của bạn là một nền tảng thương mại điện tử, luồng người dùng có thể bao gồm các bước như tìm kiếm sản phẩm, thêm vào giỏ hàng, thanh toán, và thông báo xác nhận đơn hàng.

Thiết kế điều hướng tối ưu

Hãy đảm bảo rằng các menu, thanh điều hướng, và các nút bấm được bố trí một cách hợp lý và dễ truy cập. Người dùng nên có thể dễ dàng tìm thấy những gì họ cần mà không cần phải thực hiện quá nhiều thao tác.

Tránh các điểm cản trở

Trong quá trình thiết kế, hãy tìm kiếm và loại bỏ các điểm cản trở (bottlenecks) có thể khiến người dùng gặp khó khăn. Những điểm cản trở này có thể là các bước không cần thiết, giao diện phức tạp, hoặc thiếu hướng dẫn rõ ràng. Việc loại bỏ các điểm cản trở sẽ giúp người dùng hoàn thành tác vụ một cách dễ dàng hơn.

Luôn kiểm tra và cải thiện user flow

Tiếp theo là kiểm tra và cải thiện dựa trên phản hồi từ người dùng. Bạn có thể áp dụng các phương pháp như tổ chức các buổi thử nghiệm với người dùng thực tế để xác định xem họ có gặp khó khăn nào khi điều hướng qua các bước trong luồng hay không. 

Luôn sẵn sàng thực hiện các thay đổi cần thiết để đảm bảo luồng người dùng luôn mượt mà và hiệu quả, tối ưu hóa trải nghiệm của họ.

Hình 4: Minh họa user flow (Nguồn: creately.com)

Hình 4: Minh họa user flow (Nguồn: creately.com)

1.4. Giữ giao diện ứng dụng web đơn giản

Một trong những nguyên tắc vàng trong thiết kế UX/UI là giữ cho mọi thứ đơn giản. Người dùng thường không có nhiều thời gian hoặc kiên nhẫn để tìm hiểu cách sử dụng một ứng dụng phức tạp. Vì vậy, việc giữ cho giao diện và trải nghiệm người dùng đơn giản sẽ giúp tăng cường sự hài lòng và giữ chân người dùng.  

Khi phát triển ứng dụng, điều quan trọng là tập trung vào các tính năng cốt lõi mà người dùng thực sự cần, đảm bảo chúng được đặt ở vị trí dễ tiếp cận và sử dụng. Những tính năng phụ nên được ẩn đi hoặc đặt ở các khu vực ít quan trọng hơn để tránh làm rối mắt người dùng.

Bên cạnh đó, sử dụng khoảng trắng (white space) một cách hợp lý sẽ giúp giao diện trở nên sạch sẽ, dễ nhìn, và giúp người dùng tập trung vào các yếu tố quan trọng nhất. Không nên nhồi nhét quá nhiều yếu tố vào một trang hay giao diện, bởi điều này có thể làm giảm trải nghiệm khách hàng. Thay vào đó, hãy giữ mọi thứ đơn giản và dễ hiểu để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng.

1.5.  Sử dụng mẫu thiết kế có sẵn

Mặc dù sự sáng tạo là một phần quan trọng trong thiết kế, nhưng không phải lúc nào bạn cũng cần phải đổi mới toàn bộ. Đôi khi, việc sử dụng những mẫu thiết kế đã được chứng minh hiệu quả có thể mang lại kết quả tốt hơn và giúp tiết kiệm thời gian và công sức.

Mẫu thiết kế là những giải pháp đã được thử nghiệm và kiểm chứng qua nhiều dự án khác nhau. Sử dụng mẫu thiết kế có thể giúp bạn tránh được những sai lầm phổ biến và đảm bảo rằng sản phẩm của bạn đạt được hiệu quả mong muốn. Tuy nhiên, bạn cũng cần tùy chỉnh chúng sao cho phù hợp với nhu cầu cụ thể của người dùng và mục tiêu của dự án.

1.6. Linh hoạt và sẵn sàng thay đổi

Nếu phát hiện điều gì đó không ổn trong ứng dụng web của bạn, đừng ngần ngại thay đổi. Với một trang web, bạn thường có thể thay đổi một thành phần hoặc trang mà không cần tác động đến các phần khác. Tuy nhiên, trong ứng dụng web, các thành phần thường phụ thuộc lẫn nhau trong hành trình người dùng. Để duy trì trải nghiệm nhất quán, bạn cần kết hợp các chiến lược thiết kế UX/UI để giữ cho toàn bộ kiến trúc điều hướng mượt mà.

Sử dụng các công cụ như Hotjar Heatmaps và Recordings để quan sát hành vi người dùng, giúp bạn nhận ra những yếu tố được họ ưa thích và những điểm cần cải thiện. Ví dụ, nếu bạn phát hiện người dùng thường thoát khỏi ứng dụng khi gặp phải nội dung dạng dài, hãy thay đổi UI để làm cho nó thân thiện hơn. 

Bạn có thể sẽ cần phải xem xét và điều chỉnh các yếu tố tương tự trên tất cả các trang khác trong ứng dụng để đảm bảo trải nghiệm người dùng luôn nhất quán. Thay vì bỏ qua một thành phần không hoạt động tốt, tốt hơn là đầu tư thêm công sức để thay đổi và điều chỉnh nhằm duy trì tính nhất quán và nâng cao trải nghiệm tổng thể, tránh gây thất vọng cho người dùng.

>>> Xem thêm: 9 tiêu chí thiết kế website bạn cần nắm để tối ưu hóa trang web

Hình 5: Bản đồ nhiệt của Hotjar cho biết trang nào đang thu hút (Nguồn: hotjar.com)

Hình 5: Bản đồ nhiệt của Hotjar cho biết trang nào đang thu hút (Nguồn: hotjar.com)

1.7. Ưu tiên phản hồi của người dùng 

Phản hồi chính là chìa khóa để liên tục cải thiện sản phẩm, và việc lắng nghe người dùng sẽ quyết định liệu họ có gắn bó với ứng dụng của bạn trong vài phút hay trong nhiều năm. Vì thế quan sát hành vi của người dùng trên ứng dụng web cung cấp cho bạn những dữ liệu quý giá về thiết kế UX/UI. 

Ngoài ra, phản hồi trực tiếp từ người dùng còn có thể giúp bạn hiểu sâu hơn về lý do đằng sau những hành động đó, cũng như suy nghĩ và mong muốn của họ. Người dùng có thể chia sẻ rằng họ muốn quay lại màn hình trước dễ dàng hơn hoặc cảm thấy khó khăn với các yếu tố thiết kế phức tạp. Những phản hồi sâu sắc này sẽ giúp bạn nâng cấp thiết kế UX và UI lên một tầm cao mới.

Trò chuyện trực tiếp với người dùng là cách tốt nhất để hiểu cảm nhận thực sự của họ về sản phẩm của bạn. Mặc dù phản hồi tiêu cực có thể khó tiếp nhận, nhưng nó mang lại những hiểu biết quan trọng, giúp bạn phân tích và cải thiện liên tục thiết kế UX, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm.

2. Khi nào nên thiết kế UX/UI cho ứng dụng web?

Thiết kế UX nên được bắt đầu ngay từ giai đoạn hình thành ý tưởng cho ứng dụng web. Hãy lập kế hoạch chi tiết về cách người dùng sẽ điều hướng ứng dụng ngay từ đầu, sau đó thiết kế bản mô phỏng kiến trúc UX và thử nghiệm chúng với người dùng. 

Tiếp theo, tinh chỉnh bản mô phỏng hoặc nguyên mẫu của bạn bằng các thành phần UI. Dựa trên phản hồi và hành vi người dùng, hãy sẵn sàng điều chỉnh các yếu tố thiết kế hoặc cải thiện các thành phần điều hướng như CTA hoặc nút bấm để nâng cao trải nghiệm người dùng. 

Tích hợp thiết kế UX và UI vào mỗi bước trong quá trình phát triển ứng dụng web là chìa khóa để xây dựng một sản phẩm thành công ngay từ giai đoạn khởi đầu. Chú trọng đến trải nghiệm và giao diện người dùng từ những bước đầu tiên, bạn không chỉ đảm bảo ứng dụng hoạt động mượt mà mà còn tạo ra một trải nghiệm hấp dẫn và trực quan, giúp thu hút và giữ chân người dùng một cách hiệu quả.

>>> Xem thêm: Hướng dẫn cách tự tay thiết kế một trang web trong 9 bước 

3. Những sai lầm phổ biến trong thiết kế UX/UI cho ứng dụng web

Trong quá trình thiết kế UX/UI, có một số sai lầm phổ biến mà bạn cần tránh để đảm bảo rằng sản phẩm của mình luôn mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

  • Không lắng nghe người dùng: Nếu bạn thiết kế mà không dựa vào dữ liệu và thông tin từ người dùng mà chỉ dựa vào phỏng đoán, bạn có thể khiến người dùng cảm thấy rối rắm khi sử dụng ứng dụng web của bạn, dẫn đến tỷ lệ chuyển đổi thấp
  • Thiết kế quá phức tạp: Thiết kế quá phức tạp có thể khiến sản phẩm khó sử dụng. Tốt nhất, hãy giữ mọi thứ đơn giản và chỉ thêm những tính năng hoặc yếu tố thiết kế thật sự cần thiết.
  • Thiếu sự khác biệt: Một sai lầm khác là không tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của bạn. Khi phân tích đối thủ cạnh tranh, hãy tìm kiếm những yếu tố nào bạn có thể đưa vào để giúp doanh nghiệp của mình nổi bật.

Hãy luôn lắng nghe người dùng và tránh những sai lầm phổ biến này, bạn sẽ có cơ hội lớn hơn để thu hút và giữ chân người dùng, đồng thời nâng cao giá trị của sản phẩm trên thị trường.

>>> Xem thêm: Muốn tăng trải nghiệm khách hàng trên website? Đừng bỏ qua 7 mẹo này!

Kết luận

Thiết kế UX/UI không chỉ là một quá trình thiết kế mà là một hành trình liên tục. Bằng cách áp dụng những mẹo trên của MangoAds và liên tục cải thiện dựa trên phản hồi của người dùng, bạn sẽ tạo ra một ứng dụng web không chỉ hấp dẫn về mặt thẩm mỹ mà còn mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng. Luôn nhớ rằng, người dùng chính là trung tâm của mọi thiết kế thành công.